Trước “danh sách đen” hàng chục loại trái cây Trung Quốc nhập về Việt Nam bị phát hiện chứa nhiều chất gây hại, dư luận trong nước đang dấy lên nỗi lo ngại lớn về chất lượng hàng nhập khẩu. Người dân có quyền đặt câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan chức năng và quyền lợi người tiêu dùng vẫn chưa được bảo vệ.
Theo quy định, tất cả mặt hàng nông sản, trong đó có trái cây, đều phải qua kiểm dịch ở các cửa khẩu vùng biên. Sau các công đoạn kiểm tra giấy tờ và kiểm định chất lượng chuyên môn, ngành Hải quan mới cho phép làm thủ tục nhập khẩu. Tuy nhiên thực tế, hầu như chất lượng của phần lớn rau củ, trái cây Trung Quốc nhập vào Việt Nam không được kiểm soát gắt gao. Trái cây, rau củ Trung Quốc chỉ cần dán tem, nhãn mác đầy đủ theo quy định của Hải quan là có thể ung dung tuồn về các chợ. Một khi đã có “giấy thông hành”, hiển nhiên chúng được hợp thức hóa về cả hình thức lẫn nội dung, để rồi khi về tới tay người tiêu dùng là bảo đảm chất lượng (!?). Một thực tế khác đáng lo là tình trạng trái cây, rau củ Trung Quốc nghi ngờ nhiễm hóa chất độc hại đã diễn ra từ nhiều năm nay và cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần lấy mẫu để kiểm nghiệm, nhưng hầu như không phát hiện được gì. Lý do vì chúng ta không có nhiều phương tiện tối ưu để lật mặt những mánh khóe “làm hàng” của người sản xuất. Với hàng trăm loại hóa chất bảo quản, chất chống mọt mối, chống nấm… như hiện nay, liệu các cơ quan kiểm nghiệm kiểm soát được hết? Trong khi đó, chỉ có thể nhận dạng nhanh thứ nào đạt, thứ nào chưa đạt rồi cho phép các lô hàng thông quan một cách dễ dàng.
Qua việc phát hiện hàng chục mẫu trái cây nhiễm chất gây hại vừa qua, các cán bộ ngành Nông nghiệp thừa nhận rằng, chúng ta mới chỉ kiểm tra dư lượng hóa chất trên rau quả có vượt ngưỡng cho phép hay không, chứ để biết chính xác hóa chất đó là gì, độc hại đến đâu thì gần như còn bỏ ngỏ. Có lẽ người tiêu dùng chỉ có thể yên tâm trong thời điểm có cơ quan chức năng thực hiện đợt thanh lọc chất lượng hàng hóa. Còn sau đó, mỗi đợt thanh, kiểm tra đi qua, rau quả, thực phẩm “bẩn” lại tiếp tục hiện diện trên thị trường.
Tại Đà Nẵng, mỗi đêm có khoảng 150 - 250 tấn trái cây về chợ đầu mối Hòa Cường, nhưng theo báo cáo của Ban quản lý chợ, chỉ có 5% lượng hàng từ Trung Quốc. Dù vậy, trên thị trường vẫn ngập tràn trái cây Trung Quốc mà không ai biết nó được đưa về từ đâu và kiểm soát như thế nào. Người dân trong nước vì tin rằng hàng nhập khẩu đã được Hải quan các cửa khẩu cho qua là yên tâm sử dụng, hoặc dù lo ngại bất ổn về chất lượng nhưng không có khuyến cáo chính thức từ phía Nhà nước nên vẫn đánh liều mua. Từ thực tế trên cho thấy, còn nhiều bất cập trong việc quản lý chất lượng thực phẩm nhập khẩu. Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm chưa đủ mạnh để có thể khống chế hàng “bẩn”. Cộng với đó là cách làm nửa vời của các cán bộ biên mậu góp phần làm cho việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm lâu nay chỉ là việc làm cho có. Rõ ràng, dư luận phản ánh các cơ quan quản lý chưa làm hết trách nhiệm là có cơ sở. Bởi vậy mới có chuyện thường xuyên luân chuyển các cán bộ Hải quan các cửa khẩu trong thời gian qua. Rất nhiều vụ việc phát hiện sản xuất và kinh doanh thực phẩm bẩn đã không được truy đến cùng. Người tiêu dùng chỉ còn biết cách tự bảo vệ mình “được chăng hay chớ” mà thiếu bàn tay can thiệp của cơ quan quản lý Nhà nước.
Đã đến lúc không thể xem nhẹ tính mạng người tiêu dùng thêm nữa. Các cơ quan quản lý Nhà nước phải thể hiện rõ hơn trách nhiệm, quyền uy của mình trong việc bảo vệ sức khỏe người dân. Điều này về lâu dài đòi hỏi các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng hệ thống cảnh báo các nguy cơ. Bên cạnh đó cần siết chặt công tác kiểm tra, xử lý vi phạm và nhất là phân định trách nhiệm rõ ràng từ các cơ quan phụ trách trực tiếp trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm.
HỒNG ANH