Hằng năm ở nước ta luôn đối mặt với hàng chục cơn bão, lũ kéo dài suốt từ miền Bắc tới miền Nam. Chỉ tính từ đầu năm 2012 đến hết tháng 8 vừa qua, đã có 6 cơn bão hoạt động trên Biển Đông, trong đó có một số cơn bão ảnh hưởng đến nước ta. Thiên tai đã làm 121 người chết và mất tích, 255 người bị thương, 1.800 nhà bị sập đổ và 36.000 ngôi nhà khác bị hư hại, tốc mái…Tổng thiệt hại vật chất ước tính trên 1.700 tỷ đồng.
Các tỉnh duyên hải miền Trung cũng đã bắt đầu bước vào những tháng mưa bão của năm 2012. Theo dự báo của Cơ quan Khí tượng thủy văn Trung ương, mùa mưa bão năm nay các tỉnh trong khu vực này sẽ hứng chịu nhiều cơn bão hơn so với năm 2011. Cùng với sự tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng gia tăng các cơn bão kèm theo mưa to và những cơn mưa do áp thấp nhiệt đới gây ra sẽ làm mức độ nguy hiểm tăng lên đáng kể.
Ngay từ đầu tháng 9 vừa qua, đợt mưa đầu tiên xảy ra do dải hội tụ nhiệt đới ở khu vực Bắc Trung Bộ đã làm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An bị những cơn lũ lớn, thậm chí vỡ đê, sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của nhân dân. Trước sự tàn phá khốc liệt của thiên tai, công tác ứng phó có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại.
Ngoài ra, các trận động đất liên tiếp xảy ra ở Trà My (tỉnh Quảng Nam), nhất là ở gần khu vực có thủy điện sông Tranh 2, làm gia tăng sự lo ngại của nhân dân khi bất ngờ có tai họa thì hậu quả là vô cùng nghiêm trọng.
Do vậy, công tác ứng phó với thiên tai phải trở thành nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên của các địa phương trong khu vực. Hiện nay, hầu hết các đơn vị địa phương từ cơ sở đến các tỉnh, thành phố và kể cả Trung ương đều có các phương án ứng phó, trong đó phương án 4 tại chỗ đã và đang để lại nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích cho cán bộ và nhân dân. Chẳng hạn như nhiều địa phương khu vực miền núi Quảng Nam có kho thóc chống bão lụt, có thể phục vụ nhân dân trong nhiều ngày nếu bị lũ chia cắt. Hay nhà tránh lũ cộng đồng được xây dựng tại Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Nam… để hàng ngàn người dân có thể cư trú trong thời gian nhất định. Tuy nhiên, các phương án đó phải được kiểm tra, bổ sung và hoàn thiện, để khi có sự cố xảy ra thì kịp thời ứng phó, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã có công điện 202 gửi UBND cùng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố về việc triển khai công tác chỉ đạo, ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, yêu cầu tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát và kịp thời các biện pháp đối phó với lũ, bão tới tận cấp thôn, xã và đặc biệt là khu vực miền núi. Các địa phương chủ động kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao bị lũ quét, sạt lở đất… Nếu xét thấy nguy hiểm thì lên phương án kiên quyết sơ tán người ở nơi không an toàn khi có thiên tai. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ, hướng dẫn hoặc cấm người đi qua các ngầm, đường qua suối, những tuyến đường bị ngập sâu, bến đò…
Đặc biệt, đối với các tỉnh duyên hải miền Trung tập trung nhiều tàu thuyền, bến bãi, nhiều khu vực nuôi tôm, cá… nên phải tổ chức thông báo thời tiết thường xuyên, nhất là khi có bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện; hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản tại nơi neo đậu; kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè khi có bão đổ bộ. Ngoài ra, việc đôn đốc nhân dân chằng néo nhà yếu, nhà có nguy cơ bị đổ, tốc mái trước mùa mưa bão, hoặc chuẩn bị di dời dân lên khu vực cao tránh lũ cũng là công việc thường xuyên và cấp bách khi thiên tai xảy ra.
Ứng phó với thiên tai là công việc thường xuyên của các cấp chính quyền và toàn xã hội, trong đó đối với các khu vực hay xảy ra bão, lũ càng cần được hết sức quan tâm. Một khi chúng ta làm tốt công tác phòng ngừa thì những thiệt hại sẽ giảm đi đáng kể, nhất là đối với sinh mạng con người cần được đặt lên hàng đầu.
TUYẾT MINH