Ngay từ khi các dự án xây dựng đập thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam còn nằm trên giấy, cả lãnh đạo Đà Nẵng lẫn các chuyên gia đã lên tiếng quan ngại về sự tác động xấu đến thành phố sau này. Và sự lo ngại này đã trở thành sự thật.
Khi các thủy điện như A Vương, Sông Côn 2, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2 đưa vào vận hành, hậu quả mà thành phố Đà Nẵng gánh chịu rất rõ ràng. Vào mùa hè, hàng ngàn hecta lúa thiếu nước trầm trọng, ngay cả nước ngọt cung cấp cho nhà máy nước Cầu Đỏ cũng nhiễm mặn, còn đến mùa lũ thì diễn biến rất bất thường. Đặc biệt, vào mùa hè năm nay, những hệ lụy của thủy điện từ “hàng xóm” Quảng Nam đối với Đà Nẵng là rất rõ và đang có xu hướng ngày càng nặng nề thêm.
Mới đây vào tháng 5-2012, khi tổ máy cuối cùng của thủy điện Đăk Mi 4 phát điện cũng là lúc nguồn nước đổ về sông Vu Gia chỉ còn 50% so với trước đây. Gần như ngay lập tức, vùng hạ lưu sông Vu Gia là các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) và huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) rơi vào tình trạng thiếu cả nước ngọt sinh hoạt lẫn nước dùng cho nông nghiệp. Lần đầu tiên ở huyện Hòa Vang ghi nhận tình trạng hàng ngàn hecta đất màu và đất lúa thiếu nước nghiêm trọng. Trong khi đó, nguồn nước cung cấp cho nhà máy nước Cầu Đỏ cũng rơi vào cảnh “báo động đỏ” vì thiếu nước và nước bị nhiễm mặn. Để có nước ngọt phục vụ cho gần 1 triệu dân thành phố, nhà máy phải sử dụng hệ thống bơm dẫn cách cửa thu nước trên sông Cầu Đỏ gần 8km, nhưng chất lượng nước không bảo đảm.
Nỗi lo trong mùa hè là vấn đề thiếu nước, còn nỗi ám ảnh vào mùa mưa là việc xả lũ từ thủy điện. Theo các chuyên gia, nếu các thủy điện nằm trên thượng nguồn những con sông Thu Bồn, Vu Gia cùng lúc xả lũ để cứu đập thì không những 2 thành phố Tam Kỳ và Hội An của tỉnh Quảng Nam mà ngay cả láng giềng là Đà Nẵng cũng bị vạ lây. Thế nhưng, nỗi lo không chỉ ở việc xả lũ mà đáng sợ hơn là nguy cơ vỡ đập. Điều này đang là thực tế hiển hiện tại thủy điện Sông Tranh 2. Trái ngược hoàn toàn với ý kiến các nhà khoa học, dù chưa đến thời điểm tích nước nhưng động đất liên tục xảy ra với mức độ ngày càng lớn hơn. Vì vậy, thật khó khăn khi khẳng định rằng khi tích nước thì đập vẫn an toàn tuyệt đối.
Đà Nẵng nằm phía hạ lưu các con sông lớn chảy trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Vì vậy, mọi tác động từ các thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng đều có ảnh hưởng đến thành phố. Thế nhưng, trên thực tế, với tất cả công đoạn đầu tư xây dựng thủy điện trên các con sông ở Quảng Nam, Đà Nẵng không được tham gia góp ý hay phản biện dưới bất cứ hình thức nào. Trong khi đó, công tác khảo sát, đánh giá tác động môi trường của các cơ quan chuyên môn thực tế cho thấy còn khá nhiều tồn tại và bất cập. Đây chính là lỗ hổng đã dẫn đến tình trạng không những “gậy ông đập lưng ông” mà gậy ông còn liên lụy cả láng giềng là thành phố Đà Nẵng.
THANH SƠN