.

Cán bộ trẻ và ý tưởng mới

Đầu năm 2010, trong một bài viết, giáo sư Trần Văn Thọ kể một câu chuyện về Ikeda Hayato (Bộ trưởng Tài chính, rồi Thủ tướng Nhật từ năm 1960-1964). Lúc đó, kinh tế Nhật vừa phục hồi sau chiến tranh, nhưng còn nhiều khó khăn. Ikeda suy nghĩ nhiều về chiến lược phát triển đất nước. Đọc bài viết của giáo sư kinh tế Nakayama Ichiro về sự cần thiết cũng như điều kiện để tăng gấp đôi tiền lương thực tế, cải thiện hẳn mức sống của dân chúng, thấy ý tưởng đó rất hay, ông tán đồng và cùng các chuyên gia kinh tế soạn thảo chiến lược bội tăng thu nhập quốc dân trong vòng 10 năm.

Nhiều chính sách, cơ chế mới được ban hành để thực hiện chiến lược Ikeda cùng một tập thể quan chức có năng lực và hết lòng phục vụ đất nước đã thổi vào xã hội một không khí phấn chấn, tin tưởng. Chiến lược bội tăng thu nhập quốc dân đạt được mục tiêu chỉ trong 7 năm.

Giáo sư Trần Văn Thọ gọi Ikeda và thế hệ lãnh đạo ấy là anh hùng. Đi công tác nước Mỹ, họ chỉ ở khách sạn 3 sao, 2 – 3 người chung một phòng, nhưng họ say sưa bàn việc nước thâu đêm suốt sáng và đã quyết định phát triển ngành công nghiệp xe hơi để người dân Nhật bình thường cũng có xe hơi, dù thời đó công nghiệp xe hơi là thế mạnh của Mỹ, nước đang bảo trợ cho Nhật.

Biết những chuyện này, 3 năm nay, trong tôi luôn có một mong ước ở  Việt Nam ta, ở thành phố chúng ta, vấn đề bội tăng thu nhập quốc dân phải được đặt vào trung tâm chương trình nghị sự của những nhà lãnh đạo cao nhất, những chuyên gia giỏi nhất, những cán bộ trẻ ưu tú nhất, và được toàn dân tham gia như hồi chống Mỹ toàn dân bàn việc nước tính việc nhà.

Chúng ta đề ra mục tiêu xây dựng và phát triển Đà Nẵng thành một thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020. Chúng ta mong ước về một Đà Nẵng an bình, hài hòa, thân thiện, một thành phố đáng sống. Tất cả đều đúng.

Nhưng có lẽ chúng ta nên có chiến lược với các giải pháp cụ thể để nâng cao gấp đôi mức sống của nhân dân mà có thể đo đếm được trên từng bữa cơm, từng căn nhà của mỗi gia đình.

Với chiến lược ấy, tất nhiên sẽ không còn cảnh những người dân và cả các em nhỏ phải đu dây qua sông mùa nước lũ, 3 thậm chí 5 người bệnh chung một giường, phụ huynh phải thức suốt đêm, đạp đổ cổng trường để mong có một chỗ học cho con cháu. Con cháu chúng ta ở miền núi không còn cảnh chân trần áo mỏng đi học trong giá lạnh và bữa ăn chỉ có mấy mẩu sắn hay một chút cơm với canh là nước suối.

Chiến lược này phải thực sự hướng về những người nghèo, nhóm người dễ bị tổn thương nhất, chứ không làm giãn ra khoảng cách giàu-nghèo (hệ số chênh lệch về thu nhập theo đầu người giữa nhóm 20% cao nhất so với nhóm 20% thấp nhất năm 1990 là 4,1 lần, năm 2011 là 9,2 lần).

Các bạn trẻ, các bạn có thể có những ý tưởng nào về chiến lược bội tăng thu nhập cho người dân thành phố, cho những người nghèo, hay cụ thể là riêng cho những người nông dân trong diện di dời giải tỏa không còn ruộng đất, hoặc cho cộng đồng những người nhập cư vào thành phố này đang bán vé số, bán báo, đánh giày, làm thợ đụng, v.v… (đặc biệt là những bạn trẻ và các cháu vị thành niên)?

Ở quê, họ đã không tìm được lối ra, đến đây họ ôm ấp hy vọng mưu sinh và hơn thế nữa đổi đời. Tôi không phản đối việc siết chặt nhập cư, nhưng tôi mới biết thành phố đề ra mục tiêu đến năm 2030 dân số Đà Nẵng là 2,5 triệu người. Như vậy, số tăng cơ học/năm nhiều hơn thời kỳ qua và trong bối cảnh đó khó mà thực hiện được việc nhập cư có chọn lọc bảo đảm chất lượng cao về lao động. Và dù đến sống ở thành phố này vì lý do gì, một khi họ đã tồn tại trong cộng đồng nhân dân thành phố thì chúng ta không thể không bảo đảm an sinh xã hội cho họ.

Họ phải được chăm sóc sức khỏe. Các cháu vị thành niên phải được bảo vệ, chống xâm hại lạm dụng, bạo hành và phải giúp các cháu có sức đề kháng với nhưng cám dỗ cạm bẫy đang vây bủa.

Trong cộng đồng những người nhập cư ấy, những người trẻ có nguyện vọng được học hành và có mơ ước được thăng tiến sẽ được khuyến khích giúp đỡ.

Chiến lược bội tăng thu nhập là chuyện người Nhật đã làm và đã thành công. Tôi không có ý tưởng gì mới.

Điều tôi thiết tha mong mỏi là các bạn trẻ sẽ có những ý tưởng, những kế sách để thực hiện việc bội tăng thu nhập đó ở thành phố này cho tất cả và nhất là cho những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất.

Tôi nghĩ rằng, điều này sẽ làm cho thành phố chúng ta nhiều lần đáng sống hơn.

NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.