Nếu được hỏi phải bắt đầu từ đâu, phải làm điều gì trước để khởi động công cuộc đổi mới giáo dục ở nước ta lúc này, mà chỉ được nói gọn bằng một từ, tôi sẽ không ngần ngại trả lời: đánh giá - nghĩa là trước hết phải đổi mới việc đánh giá chất lượng dạy - học trong nhà trường. Có thể nói rằng, nếu nhà trường không nhanh chóng đổi mới cách đánh giá không hoàn toàn là hữu danh vô thực nhưng đã quá đề cao cái danh mà coi nhẹ cái thực như hiện nay, thì mọi sự thay đổi dẫu thông minh và tâm huyết đến mấy hầu như sẽ thành vô nghĩa. Tất nhiên, đánh giá cho đúng thực chất chất lượng là việc khó, rất khó. Thì chẳng phải Đảng ta cũng nhiều lần thừa nhận rằng, đánh giá cán bộ là khâu khó nhất và là khâu yếu nhất trong công tác cán bộ của Đảng hiện nay sao?
Một bất cập trong đánh giá cán bộ nói riêng, đánh giá nguồn nhân lực nói chung là đang có nhiều động thái nhằm đơn giản hóa công việc vốn phức tạp này, chẳng hạn chỉ lấy bằng cấp - thay vì lấy kiến thức và kỹ năng tác nghiệp - làm thước đo. Cách đo phổ biến là hễ tiến sĩ thì được đánh giá là có năng lực hơn thạc sĩ…; tốt nghiệp loại giỏi thì được đánh giá là có năng lực hơn tốt nghiệp loại khá…; sinh viên hệ chính quy thì được đánh giá là có năng lực hơn sinh viên hệ không chính quy; sinh viên đại học công lập thì được đánh giá là có năng lực hơn sinh viên đại học ngoài công lập; sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài thì được đánh giá là có năng lực hơn sinh viên tốt nghiệp trong nước…
Kể ra cách đo duy danh này cũng có chỗ hợp lý và đang được áp dụng khá phổ biến vì khó có thể đánh giá ngược lại. Tuy nhiên nhìn sâu vào thực tiễn, vẫn có thể dễ dàng nhận thấy những bất cập của việc chỉ lấy bằng cấp để đánh giá cán bộ, đánh giá nguồn nhân lực. Một mặt, không phải lúc nào danh cũng đi đôi với thực để có thể xác quyết rằng học vị cao là có năng lực hơn học vị thấp, tốt nghiệp thứ hạng cao là có năng lực hơn tốt nghiệp thứ hạng thấp… Mặt khác, do chưa xếp hạng trường đại học nên ở nước ta việc tốt nghiệp trường đại học nào chưa trở thành tiêu chí để đánh giá cán bộ, đánh giá nguồn nhân lực, chẳng hạn trường nào không quan trọng bằng tốt nghiệp loại gì, hễ cứ giỏi trường này là được đánh giá cao hơn khá trường kia…
Chính thực trạng chỉ lấy bằng cấp và thứ hạng học tập - thay vì lấy kiến thức và kỹ năng tác nghiệp - làm thước đo để đánh giá cán bộ, đánh giá nguồn nhân lực từ đó mà tuyển dụng, mà bổ nhiệm, mà ưu tiên ưu đãi… đã tạo nên xu thế chạy theo bằng cấp và thứ hạng không thể cưỡng nổi trong trường học. Những mục đích học tập đúng đắn như để biết - đúng hơn là để biết cách học, để làm, để khẳng định mình và để chung sống không phải không có ai theo đuổi và đạt được, nhưng học để có bằng cấp và thứ hạng - bằng cấp càng nhiều và thứ hạng càng cao càng tốt, bất kể trình độ thực tế có tương thích hay không với trình độ thể hiện trên văn bằng - vẫn là mục đích bao trùm. Cho nên có thể nói rằng, chính những bất cập trong đánh giá cán bộ, đánh giá nguồn nhân lực đã tạo nên áp lực cho quá trình đánh giá chất lượng dạy - học trong nhà trường. Và đương nhiên những bất cập của quá trình đánh giá chất lượng dạy - học trong nhà trường cũng tạo ra sức ép ngược lại trong đánh giá cán bộ, đánh giá nguồn nhân lực. Chẳng hạn, nhiều người tuy có bằng cấp ngang nhau mà trình độ rất lệch nhau có khi một trời một vực, nhất là giữa những người có bằng đại học chính quy với những người có bằng đại học không chính quy. Sự chênh lệch này giải thích vì sao một vài địa phương - trong đó có Đà Nẵng - nói không với bằng đại học không chính quy, dẫu vẫn biết rằng giải pháp mang tính tình thế này có thể gây thiệt thòi đối với một thiểu số thực sự tài năng nhưng đã không có cơ hội theo học đại học chính quy…
BÙI VĂN TIẾNG