.

Để phụ nữ thật sự tỏa sáng

Sự ra đời của Hội Nữ trí thức thành phố như một cách “lên tiếng” của phụ nữ Đà Nẵng. Mạo muội hiểu “ý đồ” của sự kiện khá trọng đại này là: Chúng tôi hiện có 300 hội viên, nhưng chưa hết đâu! Nữ trí thức thực sự rất hùng hậu.

Tổng số nhân lực Khoa học và Công nghệ thành phố hiện có khoảng 14.000 người, trong đó 55% là nữ. Số lao động có trình độ ĐH và sau ĐH là 8.751 người, trong đó nữ chiếm 48,5% (tương đương 4.250 người). Phụ nữ là công chức hành chính có 744 người; viên chức sự nghiệp 8.820 người. Bên cạnh đó còn có một đội ngũ trong khối doanh nghiệp, cơ quan đại diện nước ngoài và Việt Nam tại Đà Nẵng.

Đã lên tiếng thì chắc sẽ… “ra miếng”. Và có thể hình dung sự “ra miếng” của chị em cũng không kém cạnh phái khác. Trong trường học, nữ sinh giữ vai trò trưởng lớp, bí thư chi đoàn, lớp phó học tập luôn cao hơn nam sinh. Tại đơn vị công tác, mạnh dạn nói rằng, ở cùng vị trí thì cán bộ nữ hay nhân viên nữ thể hiện năng lực làm việc không thua đồng nghiệp nam. Thậm chí, theo cảm tính, đôi khi sự chu đáo, hết lòng với công việc còn nhỉnh hơn. Tuy vậy, hình như đang thiếu một liều “doping” để nữ trí thức thực sự bật lên.

Thực tế là ở những vị trí chủ chốt, lãnh đạo, chủ nhiệm công trình…, nữ giới làm sếp còn ít ỏi so với số lượng nữ trí thức đầy tiềm năng như hiện nay. Phụ nữ ít được giao nắm giữ quyền điều hành hơn đàn ông. Có phải vì sự thua thiệt này mà trong gia đình, mọi người không ngần ngại tung hô vai trò “cầm cương”, “nữ tướng” để xoa dịu chị em? Ngoài xã hội, cán cân quyền lực giữa nam và nữ vẫn còn nhiều chênh lệch. Phải chăng nữ giới yếu hơn nam giới về sức cống hiến lẫn trí tuệ? Câu trả lời là không hẳn thế nếu nhìn nhận đúng về tiềm lực của nữ giới.

Trước khi đề cập đến việc phải tiếp “doping” bằng cách nào, xin bàn sang một chuyện bên lề, nhưng lại khiến bao nhiêu thứ trở nên lôi thôi. Đó là, lâu nay chị em đã khiêm tốn một cách không đáng. Trong mỗi báo cáo, đánh giá về năng lực, dường như không bao giờ thiếu phần tự kiểm điểm rằng phụ nữ còn chưa chủ động, sáng tạo; làm việc mang tính đối phó; chưa phát huy hết khả năng. Và đúc kết cho hàng loạt cái thiếu này là lời khẳng định: Đây là những điểm yếu của chúng tôi! Trong khi đó, khách quan mà nói, đây không phải là hạn chế đặc trưng của một phái nào. Nam trí thức hay đàn ông nói chung cũng đầy những cái “chưa được” như vậy. Hà cớ gì chị em cứ nhận là bản chất của riêng mình. Cứ khiêm tốn mù quáng như vậy thì thử hỏi ai dám đề bạt? Bên cạnh đó, có lẽ chị em cũng nên bớt phàn nàn về những chính sách đãi ngộ dành riêng cho nữ, những đòi hỏi phải tạo điều kiện thuận lợi hơn nam giới trong mọi mặt. Càng nói những điều này thì càng đi ngược lại tiến trình bình đẳng giới. Đã là bình đẳng, ai cũng ngang bằng về quyền lợi và nghĩa vụ. Hơn nữa, phụ nữ thực sự có năng lực để cạnh tranh lành mạnh với nam giới mà không cần đến yếu tố “bệ đỡ”.

Cái cần nói ở đây là cơ hội để phụ nữ nói chung, nữ trí thức nói riêng được “so găng” ngang ngửa với nam giới trong việc nắm giữ vai trò quan trọng. Cơ hội ấy đến từ đâu? Trước tiên là sự nỗ lực của chị em để xã hội phải tâm phục, khẩu phục. Thứ hai, và là yếu tố cực kỳ quan trọng, đó là xã hội có chịu tâm phục, khẩu phục năng lực của phụ nữ bằng những hành động cụ thể không? Khi xã hội còn tồn tại bất bình đẳng giới thì cơ hội của phụ nữ còn bị tước đoạt.

Nữ trí thức có số lượng không thiếu, năng lực không yếu. Vậy thì, sự công tâm, khách quan trong đánh giá và trọng dụng nữ trí thức sẽ chính là liều “doping” để họ tỏa sáng.

THU HOA

;
.
.
.
.
.