.

Đòn bẩy cho ngành Thủy sản

UBND thành phố vừa ban hành Đề án “Nâng cao hoạt động khai thác hải sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020”, tổng vốn đầu tư hơn 1.112 tỷ đồng. Trong đó, chỉ tiêu đặt ra đến năm 2015, có 300 tàu công suất lớn (hiện nay 165 chiếc), sản lượng hải sản tăng bình quân hằng năm 5 - 7% và 30% tàu được trang bị máy dò ngang, máy định vị toàn cầu, máy ICOM. Đến năm 2020, toàn thành phố có hơn 400 tàu công suất lớn (trong đó 3 -5% tàu dịch vụ hậu cần nghề cá), 70% tàu được trang bị máy móc chuyên dụng hiện đại, lắp đặt hầm bảo quản hải sản đúng tiêu chuẩn; sản lượng hải sản tăng bình quân hằng năm 7 - 10%; giá trị hải sản tăng 10 - 20%...

Như vậy, chỉ trong vòng hơn một tháng, thành phố Đà Nẵng đã ban hành 2 chính sách khả thi về lĩnh vực thủy sản. Trước đó, ngày 29-8-2012, UBND thành phố ban hành Quyết định 7068/QĐ-UBND về một số chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu đánh bắt hải sản và dịch vụ khai thác hải sản xa bờ, với 3 mức 500 triệu đồng, 600 triệu đồng và 800 triệu đồng/chiếc, cho chủ tàu đóng mới tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có công suất tương ứng 400CV đến dưới từ 600CV đến dưới 800CV và từ 800CV trở lên.

Trong điều kiện thu ngân sách của cả nước nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng gặp không ít khó khăn, các chính sách kích cầu hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ nêu trên ban hành thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và ngành Thủy sản Đà Nẵng trong việc vươn ra biển lớn, làm giàu từ biển, bảo vệ vững chắc ngư trường truyền thống, cũng như biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Có thể nói, các chính sách nêu trên là cú hích, đòn bẩy để ngành Thủy sản thành phố tạo bước đột phá về sản lượng, chất lượng hải sản. Với 300 tàu công suất lớn vào năm 2015, hơn 400 chiếc vào năm 2020 liên tục bám biển ở ngư trường xa bờ bằng các nghề hiệu quả, không chỉ đưa về lượng của cải không nhỏ góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố mà đội tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu này sẽ sát cánh cùng các lực lượng khác làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Không những vậy, phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ sẽ là cơ hội về việc làm cho hàng nghìn lao động thuộc nhiều lĩnh vực, vừa trực tiếp sản xuất trên biển, vừa làm dịch vụ hậu cần nghề cá; ngư dân có cơ hội làm giàu từ hoạt động kinh tế của mình; tình trạng đánh bắt gần bờ nhờ vậy mà thuyên giảm, nguồn lợi thủy sản được bảo vệ.

Như vậy, điều mà ngành Thủy sản và ngư dân kỳ vọng lâu nay về chính sách tạo tiền đề để đẩy mạnh hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã thành hiện thực. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để các chính sách này sớm đi vào cuộc sống, hoạt động khai thác hải sản của thành phố sớm tạo bước đột phá về năng suất và sản lượng. Đã hơn 10 năm trôi qua, nhưng có lẽ Chương trình đóng mới tàu đánh bắt xa  bờ từ nguồn vốn Chính phủ mãi là bài học đắt giá cho chính quyền các cấp, cơ quan chức năng và hộ ngư dân khi thực hiện chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá công suất lớn lần này. Qua đó, các cơ quan trực tiếp triển khai phải nhận thức sâu sắc rằng, kinh phí của thành phố đầu tư phải đúng đối tượng và phát huy được hiệu quả. Do vậy, chủ dự án đóng mới tàu công suất lớn phải là người có năng lực tổ chức sản xuất, gắn bó tâm huyết với hoạt động đánh bắt hải sản biển, có tiềm lực về kinh tế nhất định. Người không có năng lực về lĩnh vực đánh bắt hải sản xa bờ tuyệt đối không được phê duyệt triển khai dự án để nhận tiền hỗ trợ, bởi các trường hợp này không chóng thì chầy họ sẽ chuyển nhượng tàu cho người khác.

Nói đúng hơn, thực hiện chính sách hỗ trợ này yêu cầu quan trọng nhất là đúng đối tượng, phát huy được nguồn vốn đã đầu tư, khắc phục triệt để tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi của thành phố để trục lợi.  

NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.