Tình trạng quy hoạch treo, công trình treo đã và đang là vấn đề thời sự của cả nước, gây bức xúc mạnh mẽ trong nhân dân. Thành phố Đà Nẵng cũng không nằm ngoại lệ khi có nhiều dự án treo, công trình treo. Mặc dù chính quyền thành phố đã có những biện pháp tháo gỡ nhưng vẫn chưa giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả.
Ngay tại trung tâm thành phố, hằng ngày người dân qua lại trên các tuyến đường Phan Châu Trinh, Hùng Vương, 2 tháng 9, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh… đều thấy rất nhiều công trình quy mô tầm cỡ với số vốn đầu tư được công bố trong ngày khởi công lên đến cả ngàn tỷ đồng. Thế nhưng, có những công trình chỉ mới xây móng hoặc lên vài tầng rồi bỏ đó trong mấy năm qua. Hoặc một số chủ đầu tư sau khi nhận đất thì cho khoanh vùng lại, phó mặc thời gian, để cây cỏ mọc um tùm.
Còn ngoài khu vực trung tâm, trên địa bàn các quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu có rất nhiều dự án quy hoạch, nhiều công trình bỏ hoang trong nhiều năm liền. Chủ đầu tư chỉ san lấp đất, phân lô, còn những cao ốc nọ, cao ốc kia thì không thấy bóng dáng đâu cả. Người dân trong vùng dự án kiểu treo chịu không biết bao nhiêu khó khăn, trở ngại trong cuộc sống, do nơi ở không ổn định vì không biết khi nào thì di dời và vì thế, họ không được làm nhà kiên cố. Hơn nữa, trong vùng dự án treo thì không thể có đường, trường học đàng hoàng, không có các cơ sở dịch vụ tốt để phục vụ cho cuộc sống của người dân.
Tại một hội nghị mới đây, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường đề nghị chính quyền thành phố cần có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa, kiên quyết hơn nữa với những chủ dự án, chủ những công trình còn bỏ hoang, nhất là về đất nền hàng ngàn lô, đất xây dựng các khu chung cư nhưng không thực hiện đúng các cam kết, không thi công dứt điểm thì nên kiên quyết thu hồi lại để đưa vào khai thác hiệu quả.
Thực tế, có tình trạng một số người lập dự án xin khai thác hàng ngàn lô đất nhưng chỉ vì mục đích mua đi bán lại loanh quanh để kiếm lời chứ không xây dựng các công trình như cam kết, rồi dẫn đến tình trạng đất bị bỏ hoang phế, dự án bị treo trong nhiều năm. Họ chỉ nộp một khoản tiền nhất định, đến khi không xây dựng, không mua bán được thì lấy đâu ra tiền để nộp cả thuế lẫn tiền mua đất.
Thiệt hại cuối cùng vẫn là thuộc về Nhà nước và người dân. Vì trên diện tích đất đó không có công trình đi vào hoạt động thì nguồn thu phát sinh của thành phố từ các dự án, các công trình đó không có. Mặt khác, hầu hết các chủ đất từ các địa phương khác đến, nên tìm họ cũng gặp khó chứ chưa nói đến việc buộc họ xây dựng hay nộp tiền cho đúng hạn định.
Còn người dân, cán bộ viên chức thành phố cũng khó tiếp cận, hoặc không thể tiếp cận được giá trị thực nhà, đất… của các công trình đó để mua xây dựng nhà ở.
Ngoài ra, một điểm nữa cũng hết sức lưu tâm là môi trường và mỹ quan của thành phố bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bởi lẽ, các công trình dự án treo đó đã biến thành ao chứa nước bẩn, chứa rác thải, cây cỏ um tùm cho ruồi, muỗi sinh sôi, xâm nhập vào các khu dân cư. Thậm chí, một vài nơi biến thành các tụ điểm cho tệ nạn xã hội.
Giải quyết tình trạng này là công việc cấp bách để làm lành mạnh không chỉ cho thị trường bất động sản mà còn góp phần để thành phố Đà Nẵng thật sự xanh, sạch và đẹp.
LÊ MINH HÙNG