Ông Daniel Toole, Giám đốc Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) khu vực Đông Á - Thái Bình Dương thắc mắc: Điều gì khiến Đà Nẵng coi trọng việc đầu tư cho công tác an sinh xã hội ngang bằng với phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng? Ông muốn biết điều này để làm cơ sở thuyết phục các địa phương khác thuộc khu vực nhận dự án tài trợ của UNICEF, bởi không phải nơi nào cũng đặc biệt quan tâm đến các đối tượng yếu thế nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng như thành phố này.
Qua chuyến thăm và khảo sát các hoạt động, chương trình do UNICEF tài trợ tại Đà Nẵng, ông Daniel Toole đã khen ngợi thành phố, cho rằng đây là mô hình kiểu mẫu để có thể học tập và chia sẻ thông tin với những nơi khác. Khảo sát của UNICEF không chỉ căn cứ trên các báo cáo, đến thăm trực tiếp cơ sở nuôi dạy, chăm sóc trẻ em bất hạnh, khuyết tật, mà nói như bà Lotta Sylwander, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam: “Chúng tôi đã đi qua các con phố của Đà Nẵng và nhìn thấy các bạn có chỉnh trang lại lối đi dành cho người khuyết tật. Việc làm này tuy nhỏ nhưng mang một ý nghĩa lớn”.
Tại buổi tiếp Giám đốc UNICEF khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH đã chia sẻ thông tin rằng, Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước sớm ban hành chính sách đối với người khuyết tật, bao gồm đối tượng trẻ em khuyết tật. Điều này giúp xây dựng cơ sở dữ liệu về người khuyết tật một cách đầy đủ nhất. Thêm vào đó, hiện thành phố có 1.000 cộng tác viên làm công tác bảo vệ và kết nối các dịch vụ đến với các đối tượng cần nhiều sự hỗ trợ như trẻ em khuyết tật. Lực lượng này thường xuyên được nâng cao năng lực và được nhận chính sách phụ cấp để thực hiện nghề công tác xã hội trong tương lai.
Hiện thành phố có 2.000 trẻ em khuyết tật trên địa bàn. Điều đáng nói là trong bối cảnh đất nước nói chung, thành phố nói riêng còn khó khăn về kinh tế, nhưng một số lượng khá lớn trẻ em bị khiếm khuyết vẫn luôn nhận được nhiều quan tâm của xã hội. Ngoài các chế độ miễn, giảm tiền khám chữa bệnh, học phí, trợ dưỡng thường xuyên, đột xuất, thì bất kể hoạt động lễ, Tết nào, trẻ em khuyết tật cũng là đối tượng được lưu tâm hàng đầu. Có thể nói, tình thương dành cho các em nhỏ kém may mắn đã thực sự tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng. Chúng tôi nhận thấy rất rõ điều này khi theo chân các đoàn từ thiện, các đội, nhóm đến thăm trẻ em nghèo, bất hạnh, từ khắp nội thành đến ngoại thành. Có nhiều khác biệt về nghề nghiệp, tuổi tác, tiềm lực kinh tế, nhưng tất cả có chung tấm lòng mong muốn những đứa trẻ không lành lặn hình hài được sống vui và tốt hơn mỗi ngày.
Còn rất nhiều điều phải làm để thực sự có được sự thoải mái, bình đẳng giữa người khuyết tật với những đối tượng khác. Song, lời đánh giá cao của UNICEF là món quà dành cho những nỗ lực của không chỉ lãnh đạo thành phố, mà cho tất cả những người đang ngày đêm âm thầm đi gieo mầm yêu thương tới trẻ em bất hạnh.
TOÀN VÂN