.

Học thêm và những hệ lụy

Chuyện dạy thêm, học thêm quá nhiều lâu nay đã bị xã hội lên án với rất nhiều “tội danh” như khiến các em trở nên thụ động, trở thành cái máy “nghe, chép” không sáng tạo, không tìm tòi; học sinh không còn giờ để nghỉ ngơi sau những giờ học chính khóa trên lớp; ảnh hưởng quan hệ thầy - trò... Tuy nhiên, nói gì thì nói, vấn nạn dạy thêm, học thêm vẫn tràn lan khắp nơi, thậm chí ngày càng nhiều thêm. Thế nhưng, việc dạy thêm, học thêm còn dẫn đến những hệ lụy khác mà gia đình, xã hội phải “gánh vác” nhưng ít được chú ý đến, đó là tình trạng “ăn cắp” thời gian trong giờ làm việc để đưa đón con.

Thường để tiện cho việc dạy thêm và cũng tận dụng hết những buổi không lên lớp, các giáo viên cứ vô tư phân lịch theo kiểu các suất học liên tục nối nhau suốt cả buổi. Chẳng hạn như, suất buổi chiều bắt đầu từ 13 giờ 30 vào lớp, thì 15 giờ sẽ xong; kế đó là suất học lúc 15 giờ và kết thúc lúc 16 giờ 30; suất thứ 3 từ 16 giờ 30 đến 18 giờ..., mà hoàn toàn không chú ý gì đến khó khăn của phụ huynh phải đưa đón con trong những “giờ vàng” đang làm việc như vậy.

Để có thể đưa con vào những “giờ vàng” này, một số gia đình có điều kiện phải “đặt hàng” cho một người xe ôm nào đó, cứ việc đến giờ thì đưa đón con của họ từ lớp học thêm này qua lớp dạy thêm khác và cuối ngày thì chở về nhà. Và dĩ nhiên, để đưa đón con với lịch dày đặc như vậy thì tiền công không thể ít. Đây là điều không nhiều gia đình có điều kiện làm được. Một số gia đình khác thì do người cha có thu nhập tốt, nên người mẹ phải ở nhà lo việc nội trợ và... đưa đón con đi học thêm.

Đó là những hệ lụy từ việc dạy thêm, học thêm dày đặc ảnh hưởng đến kinh tế, công ăn việc làm của cá nhân từng gia đình. Nhưng kiểu dạy thêm, học thêm này còn ảnh hưởng không ít đến nhiều cơ quan Nhà nước vì tình trạng khá phổ biến là cán bộ, công chức Nhà nước tranh thủ “giờ vàng” đưa đón con đi học thêm. Để “ngụy trang” việc tranh thủ này, nhiều người đã có “sáng kiến”. Lúc đến giờ đón con là vẫn để đèn sáng, quạt vẫn chạy vù vù trong phòng làm việc. Với kiểu “ăn cắp” thời gian để đưa đón con đi học thêm như vậy, nếu với một cán bộ ở các bộ phận tiếp dân thì sẽ gây phiền hà không ít cho người dân phải nhiều lần đến cơ quan chức năng, hoặc phải mất thời gian chờ đợi. Còn giả sử việc “ăn cắp” này với một cán bộ y tế thì hệ lụy không chỉ nói là thời gian mà còn là tính mệnh của con người nữa.

Hệ lụy này thì có lẽ ai cũng thấy nhưng khó tìm ra giải pháp. Nghỉ việc hay thuê người đưa đón con, hay không cho con đi học thêm? Giải pháp nào cũng không thật sự ổn thỏa.

Cái vòng luẩn quẩn này đang siết chặt lấy phụ huynh, nhưng bản thân phụ huynh thì chưa thể hóa giải nổi mà rất cần sự nhập cuộc từ các cơ quan chức năng. Nhưng không biết bao giờ mới thực hiện được.

THANH SƠN

;
.
.
.
.
.