Đó là khẳng định của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Thọ trong buổi làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Đà Nẵng vào sáng 30-10. Theo đó, lãnh đạo thành phố đề nghị ngành Ngân hàng cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt bằng nhiều giải pháp tích cực trong việc hạ lãi suất cho vay dưới 15% mỗi năm, thực hiện đúng chủ trương của NHNN cũng như cam kết với lãnh đạo Đà Nẵng trong cuộc đối thoại diễn ra cách đây gần 2 tháng.
Bởi, sau cuộc đối thoại đó, nhiều doanh nghiệp (DN) trông chờ vào việc hạ lãi suất cho vay từ ngân hàng để góp phần tháo gỡ bớt những khó khăn về tài chính, giải quyết những vướng mắc trong sản xuất kinh doanh. “Quyết tâm hạ lãi suất để thấy rằng thành phố không thất hứa với DN, thấy rằng lãnh đạo Đà Nẵng nói được là làm được!”, đồng chí Trần Thọ nhấn mạnh.
Theo ông Võ Minh, Giám đốc NHHN Chi nhánh Đà Nẵng, đến ngày 30-9, tức chỉ một tháng sau cuộc đối thoại, dư nợ cho vay trên địa bàn với lãi suất dưới 15% là 30.577 tỷ đồng, chiếm 74% tổng dư nợ đồng Việt Nam (VND), tăng 4% so với 1 tháng trước đó. Số dư nợ cho vay trên 15% là 10.750 tỷ đồng, trong đó hơn một nửa (55%) là dư nợ cho vay trung dài hạn và chủ yếu tập trung ở khối ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP).
Mặc dù đã có những dấu hiệu tích cực về mặt số liệu như thế, nhưng cũng cho thấy những băn khoăn trong việc hạ lãi suất cho vay về dưới 15% theo cam kết và chỉ đạo. Trong khi các ngân hàng có vốn Nhà nước chiếm ưu thế đang thực hiện một cách nghiêm túc, thì các ngân hàng TMCP lại thiếu hợp tác tích cực trong việc hạ lãi suất cho vay, mà các cơ quan quản lý Nhà nước lại chưa có những giải pháp quyết liệt và biện pháp chế tài cụ thể để bắt buộc thực hiện chủ trương này. Việc hạ lãi suất gặp khó khăn còn do tình trạng các ngân hàng không nghiêm túc thực hiện hạ lãi suất huy động vốn, còn tình trạng “đi đêm” với khách hàng cho vay. Ông Võ Minh lấy ví dụ ngân hàng có thể ký trên giấy tờ với khách hàng mức lãi suất huy động 9% nhưng lại có khoản “lót tay” 1-2% nằm ngoài văn bản mà cơ quan chức năng khó kiểm soát được.
Bên cạnh đó, thực trạng hiện nay là tỷ lệ nợ xấu trong các ngân hàng trên địa bàn Đà Nẵng đang tăng một cách đáng lo ngại. Theo báo cáo từ NHNN Chi nhánh Đà Nẵng, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9-2012 là 2.111 tỷ đồng, tăng 169,3% so với cuối năm 2011, chiếm tỷ lệ 4,27% trên tổng dư nợ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn là 506,8 tỷ đồng, chiếm 24% tổng nợ xấu. Mặc dù theo nhận định của lãnh đạo ngành Ngân hàng ở Đà Nẵng, thì tỷ lệ nợ xấu như vậy chưa đến mức báo động và chưa có gì là hoảng loạn, nhưng tỷ lệ nợ xấu cao ảnh hưởng trực tiếp đến việc hạ lãi suất cho vay dưới 15%. Tỷ lệ nợ xấu cao bắt buộc các ngân hàng phải trích lập quỹ dự phòng rủi ro cao, đồng thời giữ mức lãi suất thuận lợi cho việc huy động vốn để hoạt động an toàn; nhất là trong thời điểm đang thực hiện việc tái cơ cấu, sáp nhập các ngân hàng.
Mặc dù còn một số ngân hàng chưa chịu giảm lãi suất cho vay và thực hiện “đi đêm” trong vượt trần lãi suất huy động, nhưng việc phản ánh từ DN cũng chưa tích cực, do còn tâm lý lo sợ va chạm. Lãnh đạo NHNN đã công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin về tình trạng này nhằm phát hiện, chấn chỉnh vi phạm nhưng đến nay đường dây này vẫn “nguội lạnh” như thừa nhận của lãnh đạo NHNN Chi nhánh Đà Nẵng!
Như vậy, để không thất hứa với DN trong việc hạ lãi suất cho vay về dưới 15%, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc về mặt thủ tục để các DN có thể tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng, thì cần có những động thái quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng để kịp thời phát hiện những vi phạm trong thực hiện chủ trương hạ lãi suất cho vay, về trần lãi suất huy động vốn...
Khi phát hiện sai phạm, cần tiến hành nghiêm túc các biện pháp xử lý, bảo đảm việc thực hiện đúng chủ trương, chính sách. Cùng với đó, cần minh bạch thông tin trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng để DN và người dân được tiếp cận và giám sát một cách thuận lợi hơn nữa. Các DN cũng cần cơ cấu lại tổ chức, lao động, sản xuất kinh doanh... để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, góp phần giảm nguy cơ rủi ro và nợ xấu của ngân hàng...
Có được những giải pháp đồng bộ, thì mới mong việc hạ lãi suất tiếp tục được thực hiện một cách mạnh mẽ; lời hứa với DN mới được thực hiện đúng!
ANH QUÂN