Mặc dù đến nay chưa có thống kê toàn diện, cụ thể, chính thức nào về con số những người cao tuổi tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền..., nhưng nhìn vào thực tế, có thể nhận thấy dấu ấn của những người cao tuổi trong mọi lĩnh vực của đời sống.
Chỉ đơn cử con số 7,6% người cao tuổi là đại biểu Quốc hội cũng đã khẳng định người cao tuổi vẫn đóng vai trò quan trọng trong bộ máy Nhà nước. Họ cũng là những người có thể đại diện cho nhân dân thẳng thắn nói lên những tâm tư, nguyện vọng mà cử tri gửi gắm đến cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Rất đông người cao tuổi hiện vẫn có thể sinh hoạt bình thường, có khả năng sống độc lập và không cần người chăm sóc. Vì vậy, người cao tuổi dù ở bất kỳ đâu vẫn có thể cống hiến cho xã hội theo những cách riêng và phù hợp với khả năng, trình độ của mình.
Tại Đà Nẵng, gần như người cao tuổi chiếm số đông trong tổng số người làm tổ trưởng tổ dân phố, người đại diện của Mặt trận, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ… Điều đó cho thấy, tuổi cao và những hạn chế về sức khỏe không ngăn được người cao tuổi nhiệt tình tham gia công tác xã hội. Họ sẵn sàng đến từng nhà vận động các bậc cha mẹ chăm sóc, nuôi dạy con, không để con trở thành những thanh, thiếu niên hư, vi phạm pháp luật. Và thật đáng khâm phục khi những người cao tuổi dù sức khỏe hạn chế nhưng vẫn ngày đêm cần mẫn với công tác xã hội, nhất là việc huy động các nguồn lực để giúp người nghèo, những cụ già neo đơn, gia đình chính sách, những học sinh nghèo… Nhiều người trong độ tuổi từ 60-75 vẫn rất hăng hái và tâm huyết với các hoạt động vì cộng đồng. Và đối với những bậc cao niên này, việc tham gia vào các hoạt động ở địa phương là cách để họ duy trì sự minh mẫn cũng như sức khỏe của mình. Đồng thời, chính qua những hành động cụ thể cống hiến cho cuộc đời, họ chứng minh rằng, tuổi già chỉ đến khi con người thực sự ngừng tư duy, ngừng cống hiến.
Nếp sống lâu đời của người Việt vẫn quen với kiểu gia đình nhiều thế hệ, nơi ông bà, cha mẹ, con cháu sống chung một mái nhà. Đối với nhiều gia đình, mô hình này là minh chứng cho sự thịnh vượng, hạnh phúc. Bởi chính trong những gia đình đó, ông bà là điểm tựa tinh thần cho con cháu. Họ chính là những người kết nối tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình, đồng thời cũng là những người thầy, người cô theo con, theo cháu cả chặng đường dài để dạy bảo, khuyên răn, sẻ chia kinh nghiệm sống. Nhiều khi những bậc cao niên không chỉ là điểm tựa về tinh thần mà khi cần, họ cũng sẻ chia những khó khăn về kinh tế với con, cháu. Trong nhiều gia đình, người con, người cháu chỉ mong trở về với mái ấm nơi người cao niên là chỗ dựa tinh thần vững chắc, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và động viên con cháu sống tốt, sống có ích.
Tuy nhiên, khi cuộc sống cứ cuốn mỗi gia đình vào guồng máy mưu sinh thì không ít người con đang tâm bỏ rơi cha mẹ già yếu, xem họ như những gánh nặng. Và thậm chí, có những trường hợp người già không còn khả năng lao động lại bị chính những đứa con rứt ruột đẻ ra bạo hành về cả tinh thần lẫn thể xác. Mới đây, tại Hà Nội, việc những người con đem cha đang đau ốm để lại bên hè phố là minh chứng đau lòng cho chuyện tình thâm giữa cha mẹ và con cái. Họ đã quên mất rằng, sự xuống dốc của sức khỏe đối với nhiều người cao tuổi không đau đớn bằng cảm giác bị bỏ rơi cùng sự cô đơn, lẻ loi khi không có con cháu bên cạnh để sẻ chia, thủ thỉ cho vơi đi những buồn lo ở tuổi xế chiều. Khi đã ở nửa bên kia con dốc của chặng đường đời, người cao tuổi dù cố gắng mấy cũng không thể lấy lại được tinh thần và thể trạng như thời xuân xanh. Với truyền thống Á đông, nương tựa con cháu khi tuổi cao, sức yếu, lúc ốm đau, bệnh tật là mong muốn của phần đông người cao tuổi. Thế nhưng, khi các gia đình tất bật với chuyện cơm áo, gạo tiền thì liệu họ còn đủ thời gian và tình yêu thương để dành trọn cho việc chăm sóc các bậc cao niên?
Từ thực tế cuộc sống cho thấy, điều quan trọng nhất với người cao tuổi vẫn là sự quan tâm, chăm sóc của chính con, cháu và người thân. Nụ cười hạnh phúc chỉ đến với tuổi già khi họ nhận được tình yêu thương của con, cháu; song hành là sự hậu thuẫn của một hệ thống an sinh xã hội tốt, bảo đảm các điều kiện giúp người cao tuổi yên tâm sống vui, sống khỏe và sống có ích cho đời.
HÀ AN