Độ chênh giữa đào tạo nghề và đơn vị sử dụng lao động nghề ngày càng lớn khiến hoạt động này chưa đạt hiệu quả là vấn đề “nóng” nhất được bàn thảo tại Hội thảo khoa học “Đào tạo nghề - giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội” vào sáng 25-10 do Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh chủ trì.
Một thực tế là lâu nay, vấn đề liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề vẫn chủ yếu do các bên tự chủ động thực hiện. Bởi vậy, điều hiển nhiên nếu cơ sở dạy nghề nào liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp thì chất lượng đào tạo sẽ nâng cao, học viên ra trường có việc làm, doanh nghiệp chữa được căn bệnh kinh niên là thiếu lao động. Tuy nhiên, liên kết trong đào tạo - sử dụng lao động vẫn còn yếu, rời rạc, chỉ đạt hiệu quả ở một số ít đơn vị và theo kiểu mạnh ai nấy làm.
Bà Trần Thị Tường Anh, Giám đốc điều hành Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ thẳng thắn cho rằng, doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề chưa tìm được tiếng nói chung nên nhiều doanh nghiệp vẫn phải tự loay hoay đi tìm nguồn lao động trong khi lao động thất nghiệp nhiều. Bà Anh chia sẻ, dù đã nhiều năm sử dụng lao động nhưng chưa bao giờ nhận được thông tin từ các trường nghề để hỏi về chất lượng học viên đang làm tại doanh nghiệp. Như vậy, trách nhiệm, chất lượng đào tạo của một số cơ sở dạy nghề vẫn còn bị bỏ ngỏ. Vì vậy, thực tế là các doanh nghiệp hiện nay hầu hết phải đào tạo lại cho phù hợp với đơn vị mình.
Nói đến vấn đề liên kết đào tạo, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Thanh Hưng thừa nhận: Liên kết giữa đào tạo và tuyển dụng hiện nay vẫn còn là điều chưa làm được. Tuy nhiên, theo bà Hưng, đã có nhiều hội thảo hay hội nghị được Sở LĐ-TB&XH tổ chức để các cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp có dịp ngồi lại với nhau. Nhưng rồi, hậu hội thảo thì các đơn vị vẫn không có động thái nào để cải thiện tình hình. Liên kết không chỉ từ một phía hay chỉ bắc mỗi nhịp cầu, mà các bên phải thật sự hưởng ứng và hành động thì mới đạt hiệu quả.
Theo Sở Công thương Đà Nẵng, nhu cầu lao động phục vụ ngành công nghiệp từ nay đến năm 2020 sẽ tập trung vào các ngành: sản xuất máy móc-thiết bị điện, điện tử, công nghiệp công nghệ thông tin-truyền thông… Các ngành công nghiệp truyền thống như: Chế biến thủy sản, dệt-may, da giày… sẽ có sự dịch chuyển theo hướng phát triển chiều sâu, tăng hàm lượng công nghệ chất xám nên yêu cầu lao động phải qua đào tạo nghề. Vì vậy, vai trò của việc đào tạo nghề đối với doanh nghiệp nói riêng và với sự phát triển của thành phố nói chung lại càng cần thiết hơn bao giờ hết.
Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nêu giải pháp: Tình trạng thiếu nhân lực thấy rõ nhất ở ngành Du lịch ảnh hưởng đến giảm sút lượng khách, các dự án đầu tư không mang lại hiệu quả. Bởi vậy, các doanh nghiệp phải tự nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc đào tạo tại chỗ có sự liên kết chặt chẽ với các trường đào tạo về du lịch. Việc liên kết có thể thông qua hình thức xây dựng các mô hình đào tạo ngắn, trung hạn và học viên được học hỏi thực tế tại doanh nghiệp, tham gia vào quá trình phục vụ khách hàng.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh cho rằng, để doanh nghiệp phải đi tận Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh để tìm nguồn nhân lực trong khi thành phố có đến 62 cơ sở đào tạo nghề với hàng chục ngàn sinh viên ra trường mỗi năm thì chứng tỏ các đơn vị này chưa hoàn thành nhiệm vụ. Bởi vậy, việc liên kết phải được tiến hành mạnh mẽ hơn nữa. Các đơn vị phải ngồi lại với nhau theo từng nhóm ngành, từng nhu cầu cụ thể. Việc dự báo thị trường lao động, nhất là thông tin dự báo tình hình nhu cầu nhân lực theo ngành, theo nghề, theo trình độ hằng năm và 5 năm để có thể thực hiện việc đào tạo theo nhu cầu của xã hội, định hướng cung - cầu lao động cũng cần phải đẩy mạnh hơn để góp phần định hướng đào tạo, tránh lãng phí.
PHƯƠNG TRÀ