.

Người nghèo cần gì?

Một nữ cán bộ gắn bó với công tác giảm nghèo hơn chục năm tâm sự với tôi: “Có lần, mình cùng các chị em là hộ nghèo ở phường lên quận nhận quà nhân ngày lễ. Khi vừa đến nơi thì cảm nhận những ánh mắt dè bỉu, tiếng xì xầm. Một người bấm tay mình nói nhỏ: “Người nghèo của địa phương chị có thiệt là nghèo không?”. Nhìn lại mới vỡ lẽ do trang phục của chị em khá chỉnh chu, tay đeo đồng hồ… Nhưng chỉ mới đây thôi, những chị em thuộc diện hộ nghèo ấy tất bật ngoài đường với gánh hàng rong hay gánh chai bao nặng trĩu trên vai, áo quần đã sờn, cũ. Trang phục dự lễ là những bộ đồ đẹp nhất bởi họ muốn làm đẹp mình và cũng bởi họ chẳng có thời gian, cũng chẳng có nơi nào để diện khi mà ngày ngày phải nhọc nhằn mưu sinh ngoài đường”. Quan niệm cố hữu về người nghèo của không ít người đã cản trở việc vươn lên, bứt phá của họ.

Trước tiên, phải thừa nhận, Đà Nẵng là một trong những địa phương làm tốt công tác giảm nghèo. Đây là vấn đề được ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo điều hành của các cấp lãnh đạo thành phố nhiều năm qua. Đã có hàng ngàn hộ thoát được nghèo theo chuẩn thành phố, năm sau cao hơn năm trước. Hơn 70.000 lượt hộ nghèo được hỗ trợ vốn làm ăn. Hơn 400.000 thẻ BHYT được cấp cho người nghèo. Hơn 42.000 học sinh, sinh viên nghèo được miễn giảm học phí, được hỗ trợ giáo dục. Hàng chục ngàn ngôi nhà được sửa chữa, xây mới, hỗ trợ lắp đặt điện, nước. Hàng trăm nhà chung cư được bố trí cho người nghèo, phụ nữ đơn thân. Hơn 4.000 người nghèo được dạy nghề miễn phí... Nhờ đó, nhiều người nghèo được trợ giúp, thoát nghèo và vươn lên ổn định cuộc sống.

Thành phố cũng đã kịp thời điều chỉnh nhiều lần chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo chung cả nước cho phù hợp với sự thay đổi của mức sống đô thị. Từ năm 2009, mục tiêu “không có hộ đói” được điều chỉnh thành “không có hộ đặc biệt nghèo” trong chương trình thành phố “5 không” có thể coi là bước chuyển mới, thể hiện quyết tâm cao đối với công tác giảm nghèo của thành phố. Điều chỉnh, bổ sung từ 7 chính sách giảm nghèo cơ bản, đến nay đã có 12 chính sách. Trong đó, ngoài các chính sách chung của cả nước, thành phố còn có thêm một số chính sách ưu việt, như chính sách đối với hộ đặc biệt nghèo; chính sách đối với người nghèo đã thoát nghèo sau 2 năm; chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở; chính sách dạy nghề, hỗ trợ việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản…

Tuy nhiên, đã có không ít trường hợp đồng vốn không được người nghèo sử dụng đúng mục đích, việc khám chữa bệnh không đến nơi đến chốn. Dù được hỗ trợ về học phí nhưng vẫn còn những học sinh bỏ học để mưu sinh. Việc giảm nghèo “áp” cho từng địa phương vẫn còn mang tính hình thức khi cơ chế giao chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm cho các địa phương bằng bảng đăng ký chỉ tiêu giảm nghèo. Trong khi đó, mỗi địa phương, mỗi cộng đồng dân cư có đặc điểm riêng, nguồn lực và nguyên nhân tác động đến người nghèo cũng rất khác nhau. Do áp lực phải hoàn thành chỉ tiêu và vẫn còn bệnh thành tích trong công tác giảm nghèo, nên cấp trên giao bao nhiêu, cuối kỳ báo cáo, cấp dưới cũng “ép” số liệu, báo cáo hoàn thành mục tiêu bấy nhiêu.

Thực tế, chúng ta chưa kiểm soát đầy đủ số người thoát nghèo dạng này nên nguy cơ tái nghèo rất cao. Ngoài ra, việc “hỗ trợ sinh kế” đã trở thành “mốt” hiện nay với những nghề na ná giống nhau và phương tiện sinh kế thường là bàn ghế, chén đũa, xe nước mía, bò giống… Thực tế đã chứng minh có nhiều người thoát nghèo nhưng sau một trận ốm lại rơi vào ngưỡng hộ nghèo.

Đã đến lúc chúng ta có cái nhìn khác hơn về người nghèo, cần giao quyền tự chủ và cho họ cơ hội. Đó là chuyển giao tiền mặt cho người nghèo một cách có điều kiện. Người nghèo cần được vay tiền định kỳ với điều kiện khoản tiền đó sinh sôi trong một thời gian nhất định, đồng thời phải cho con đi học và phải khám sức khỏe định kỳ. Trẻ em được học hành để bảo đảm tương lai. Sức khỏe được tăng cường để giúp người nghèo không rơi vào cái vòng luẩn quẩn: bệnh tật - nghèo - bệnh tật.

PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.