.

Phòng tránh thiên tai: Ai chê nữ giới?

Nói chỉ có đàn ông, trai tráng mới đủ sức ứng phó với thiên tai, bão lũ là sai lầm, nhưng quan niệm này vẫn đang tồn tại. Thế nên, Ngày Quốc tế phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai (13-10) năm nay mang chủ đề: “Hãy ghi nhận sức mạnh của phụ nữ và trẻ em gái trong phòng ngừa và ứng phó thiên tai”, nhằm nhắc nhở mọi người đừng lãng quên nguồn lực vô cùng lớn tiềm ẩn trong lực lượng vốn bị coi là thụ động và yếu thế.

Chẳng phải cứ mưa to, gió lớn thì cần đến người có cơ bắp đứng ra chống chọi. Thực ra, trong phòng ngừa giảm nhẹ rủi ro thiên tai, yếu tố kỹ năng lại được coi trọng hơn vấn đề sức mạnh. Thấy bão mà cứ lao đầu ra chống là coi như thua! Chống bão hiệu quả là một quá trình chuẩn bị, xử lý trước và sau bão. Đó chỉ là một ví dụ. Chưa kể, việc lạm dụng sức mạnh không đúng chỗ bởi thiếu hiểu biết, đôi khi khiến mức thiệt hại không giảm mà càng tăng. Thiên tai chẳng nào chừa một ai. Vì thế, trang bị kỹ năng để ứng phó với những bất thường của thời tiết càng không là chuyện của chỉ riêng đàn ông hay đàn bà, bà già hay trẻ nhỏ.

Chúng ta có phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống lụt bão, gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Trong đó, khâu hậu cần là cực kỳ quan trọng. Mà muốn có hậu cần tốt, phải dự trữ tốt. Những chăn, màn, gạo, mắm…, ai dự trữ giỏi cho bằng phụ nữ? Vậy thì hà cớ gì không công nhận phụ nữ và trẻ em gái là đội ngũ đầy đủ sức mạnh cả về chất đến lượng trong phòng ngừa giảm nhẹ thiên tai?

Tại Đà Nẵng, nhiều năm nay, việc trang bị kỹ năng cho nữ giới trong hoạt động này không còn là chuyện phải bàn cãi. Năm qua, Hội Chữ thập đỏ thành phố tổ chức 78 lớp tập huấn tại cộng đồng và tuyên truyền cho 12 trường tiểu học tại các phường ven biển về phòng ngừa thảm họa. Trong đó, 50% đối tượng được hưởng lợi các dự án trên là nữ giới. Hội Chữ thập đỏ cho hay, sắp đến, Hội sẽ triển khai việc cảnh báo sớm thảm họa qua tin nhắn điện thoại di động đến 2.000 hộ dân ven biển. Theo đó, mọi người trong nhóm đối tượng trên sẽ nhận được những thông tin về diễn biến bất thường của thời tiết sớm nhất có thể. Và dĩ nhiên, không phân biệt chủ thuê bao là nam giới hay nữ giới.

Tuy nhiên, sự cân bằng vai trò nam - nữ trong phòng ngừa thảm họa chủ yếu thể hiện rõ nét qua các dự án. Thực tế, làm thế nào khai thác tối đa nguồn lực của nữ giới trong cuộc sống chưa thành hiện thực mà còn là mục tiêu, khi “trọng nam, khinh nữ” về sức mạnh phòng tránh thiên tai vẫn đang tồn tại.

TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.