Bộ Giao thông vận tải mới đây đã đề xuất Chính phủ cho phép quản lý trực tiếp 20 tập đoàn và tổng công ty, kể cả Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Thông tin này khiến dư luận lo ngại về sự quay trở lại mô hình “siêu bộ”, một dạng quản lý mang dấu ấn của cơ chế tập trung bao cấp từng bị chỉ trích là vừa đá bóng, vừa thổi còi, cồng kềnh, kém hiệu quả, đặc biệt là không tương thích với những nguyên tắc vận hành của cơ chế thị trường.
Quá trình thử nghiệm mô hình hoạt động của các tổng công ty (90/91), tập đoàn kinh tế Nhà nước ở nước ta trong nhiều năm qua đã bộc lộ nhiều lúng túng, vướng mắc cả về tư duy quản lý lẫn cung cách quản trị doanh nghiệp (DN). Mặc dù tiến trình đổi mới và cổ phần hóa DN Nhà nước đã khởi động khá lâu, từ con số hơn 12.000 DN hiện giảm còn khoảng 1.300 DN, nhưng những vấn đề tồn tại, bất cập do khu vực kinh tế này để lại vẫn rất nhức nhối, gây tác hại nhiều mặt đến hiệu quả tăng trưởng kinh tế nói chung, đòi hỏi phải tư duy lại vai trò quản lý Nhà nước đối với DN và ứng xử với thị trường nói chung.
Lựa chọn một mô hình quản lý thực sự hiệu quả cho khu vực kinh tế Nhà nước, trước hết phải kiên định và đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa nhằm thu hút sự tham gia của các nguồn lực xã hội hóa vào mở mang phát triển đất nước; thực hiện cơ chế công khai hóa, minh bạch hóa và kiểm tra giám sát có hiệu lực; tách hẳn vai trò quản lý Nhà nước ra khỏi vai trò điều hành kinh doanh nhằm hạn chế tình trạng lạm quyền, thông đồng, lũng đoạn. Trên tinh thần như vậy, cần sớm chấm dứt mô hình bộ chủ quản đứng ra làm chức năng quản lý DN. Thay vào đó là mô hình chuyên nghiệp thực sự, thông qua cơ quan quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại DN, thực hiện đầu tư theo những nguyên tắc của thể chế luật công ty cổ phần và triệt để tôn trọng kỷ luật thị trường, tương tự mô hình của Temasek Holdings (Singapore).
Trong chương trình tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc khu vực kinh tế Nhà nước là nội dung trọng tâm bên cạnh tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và đầu tư công. Tuy nhiên, cần làm rõ “quan điểm hệ thống” trong quá trình tái cấu trúc, bởi đây không chỉ là công việc đơn phương của DN mà còn là nhiệm vụ cấp bách của cơ quan quản lý. Nói cách khác, tư duy của nhà quản lý cũng phải tái cấu trúc song hành cùng với tư duy quản trị DN, phải khởi động một cách đồng bộ từ trên xuống dưới thì mới mong đạt đến mục tiêu như mong muốn.
THANH THỦY