Những bó hoa tươi thắm, những ánh mắt và nụ cười nồng hậu; những lời chúc mừng, ngợi khen… dành tặng Nguyễn Hữu Thành (học sinh lớp 12A4, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) khi em vừa bước xuống Sân bay Đà Nẵng với thành tích là chiếc Huy chương đồng tại kỳ thi Olympic Tin học quốc tế, diễn ra từ ngày 22 đến 30-9 tại Ý. Thêm một lần nữa học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn ghi danh trên bảng vàng về thành tích quốc tế. Thêm một lần nữa ngành Giáo dục Đà Nẵng tự hào về thành quả của thầy và trò Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Bằng tài năng và nỗ lực tự thân, Hữu Thành đã không phụ sự trông đợi của thầy cô, không bõ công cha mẹ đã nuôi nấng, dạy bảo và không hổ danh là học sinh của một ngôi trường dày dặn thành tích như Trường Lê Quý Đôn.
Cũng như các đàn anh, đàn chị đi trước, Hữu Thành không chỉ minh chứng cho trí tuệ Việt Nam mà một lần nữa khẳng định nền giáo dục nước ta dù có những hạn chế nhất định nhưng vẫn đào tạo nên những tài năng đủ sức cạnh tranh với quốc tế. Có thể nhận thấy, trong một xã hội mà tri thức được đánh giá cao như hiện nay thì đầu tư cho học vấn là lựa chọn dễ sinh “lãi” nhất nhưng cũng đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, sự nhẫn nại, kiên trì, ý chí, quyết tâm và sự thôi thúc phấn đấu không ngừng nghỉ. Thế nhưng, đã có lúc những người đặt niềm tin, tâm huyết vào ngành Giáo dục xót xa, bức xúc trước những mặt trái đã và đang tồn tại trong môi trường học tập. Tình trạng gian lận trong thi cử, chuyện sửa điểm của thí sinh, tình trạng quay cóp, nạn dạy thêm - học thêm tràn lan, chuyện “học giả, bằng thật”... như những vết đâm vào một thân thể lành lặn, khiến nhiều người hoài nghi về hiệu quả của sự nghiệp “trồng người”.
Đối với các bậc làm cha làm mẹ, khi con bước sang tuổi đến trường cũng là lúc bao nhiêu niềm tin và kỳ vọng đặt lên những đôi vai bé nhỏ của các em. Mong cho con khôn lớn, giỏi giang để bước vào đời, nên người, nên nghiệp. Vì vậy, bao nhiêu kỳ vọng và ước nguyện đặt vào con trẻ là bấy nhiêu niềm tin, hy vọng gửi gắm cho ngành Giáo dục. Mỗi một tấm gương trò giỏi, chăm ngoan như đắp thêm viên gạch xây nền móng giáo dục thêm vững chắc. Nhưng đồng thời, mỗi một hành vi tiêu cực từ ngành “trồng người” này như những dòng nước làm xói mòn bao thành quả đã dày công vun đắp. Sự nghiệp giáo dục liên quan đến hàng triệu con người, đến tương lai của cả một dân tộc chứ không chỉ là chuyện riêng trong mỗi gia đình. Bởi vậy, vấn đề được xem là “quốc sách hàng đầu” này luôn là trọng tâm trong các chương trình phát triển. Để rồi, khi người tài được vinh danh, những người đã góp công gầy dựng, đầu tư cho sự nghiệp “trồng người” lại tự hào về những trái ngọt mà họ tốn bao nhiêu tâm sức, tiền của để đầu tư và chờ ngày thu hoạch.
Tuy nhiên, cũng thừa nhận một thực tế đáng buồn rằng, không phải nhân tài nào cũng được phát hiện kịp thời và cũng không phải ai tài giỏi cũng trở về đóng góp tích cực cho quê hương. Và hơn thế nữa, niềm tin sẽ bị đánh mất khi người tài không được trọng dụng mà chỉ được xem như những bông hoa để tô điểm cho các báo cáo về thành tích đào tạo của cơ quan, trường học, địa phương... Từ giáo dục, đào tạo đi vào thực tế là một khoảng cách khá xa. Nếu muốn xóa bỏ khoảng cách này, bản thân người học tự mình nỗ lực, phấn đấu liên tục chưa đủ mà môi trường thu nhận họ cũng phải có cơ chế, chính sách ưu đãi, trọng dụng, sử dụng một cách hợp lý. Quan trọng là không để người tài mất cơ hội thể hiện khả năng, trình độ của mình và không để những định kiến cá nhân, những ích kỷ đời thường khiến cho người tài bị kèn cựa, chèn ép, không có cơ hội để phát triển. Sẽ còn có nhiều học sinh như Hữu Thành và sẽ còn nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa để các em cống hiến cho quê hương. Hãy cứ gieo niềm tin và kỳ vọng này vào ngành Giáo dục. Hy vọng những hạt mầm sẽ nảy nở thành những quả ngọt, góp phần tích cực cho sự phát triển của thành phố trong tương lai.
HÀ AN