.

Tiền đâu đi chợ?

Đó là lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trước đề xuất chưa tăng lương năm 2013 của Chính phủ. Ông cho rằng, cần cân nhắc chủ trương này, và đặt câu hỏi rất cụ thể: “Không có tiền lấy gì đi chợ?”.

Theo lộ trình từ ngày 1-5-2013, lương tối thiểu sẽ tăng từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng. Để thực hiện việc này, ngân sách cần chi trong năm 2013 khoảng 60.000 – 65.000 tỷ đồng. Nhưng, theo Bộ Tài chính, thu ngân sách năm 2012 rất khó khăn, dự báo sẽ tiếp tục khó trong năm 2013 nên Chính phủ không bố trí nguồn thực hiện chi cải cách tiền lương theo lộ trình. Đối với những người làm công ăn lương, chỉ sống bằng đồng lương thì nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền luôn thường trực. Dẫu có cảm thông với khó khăn của ngân sách đến mấy thì giá cả cũng đâu có cảm thông với cán bộ, công chức, người lao động nghèo. Biết rằng, tăng lương chưa bao giờ theo kịp đà tăng giá nhưng với những người chỉ trông chờ vào đồng lương thì dù ít dù nhiều, việc tăng lương theo đúng lộ trình cũng khiến họ bớt phần nào nỗi lo, có thêm niềm tin, động lực làm việc. Điều đó cũng góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Nếu không tăng lương trong năm 2013, có thể khiến 22 triệu người lao động trên cả nước bị ảnh hưởng (khoảng 7 triệu cán bộ, công chức, và 15 triệu lao động trong doanh nghiệp). Trong khi đó, một nghịch lý là câu chuyện lãng phí vẫn dễ thấy ở nhiều công trình tiền tỷ xây xong lại không sử dụng; hay việc các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng...

Thành phố Đà Nẵng hiện có khoảng hơn 107.000 công nhân, viên chức, lao động và khoảng hơn 64.000 lao động đang làm việc tại 6 khu công nghiệp trong các ngành may mặc, điện tử, vật liệu xây dựng, công nghiệp cơ khí chế tạo… Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm nay, 103 doanh nghiệp tại Đà Nẵng đã thông báo tạm ngưng hoạt động; các ngành chức năng thông báo giải thể, xóa tên 108 doanh nghiệp và ban hành thông báo vi phạm đối với 394 cơ sở bỏ địa chỉ kinh doanh (tăng 155% so với cùng kỳ). Như vậy, đã có một bộ phận không nhỏ người lao động gặp khó khăn. Cũng đã có trên 5 vụ lãn công, ngừng việc tập thể của người lao động để đòi bảo đảm mức lương, điều kiện sống tối thiểu. Tuyên bố không tăng lương của Bộ Tài chính khiến hàng triệu người dân trên cả nước nói chung và hàng trăm ngàn người trên địa bàn Đà Nẵng nói riêng cảm thấy hụt hẫng. Và không tăng lương thì “tiền đâu đi chợ?”, làm sao có thể kích hoạt tiêu dùng, ổn định kinh tế vĩ mô như mục tiêu Chính phủ đặt ra? Đó là một nghịch lý.

Bộ luật Lao động được thông qua về việc tăng lương mang theo bao niềm tin, hy vọng, quyền lợi của hàng triệu con người. Bởi vậy, không thể dễ dàng nói “không” hoặc “có” mà phải đề ra nhiều phương án phù hợp. Tinh giản bộ máy biên chế cồng kềnh, tiết kiệm chi, chống thất thoát, chống lãng phí… là những việc cần tính đến để có thể tiếp tục điều chỉnh lương tối thiểu đúng lộ trình.

PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.