.

Xác định mục tiêu về lượng khách

Chương trình Năm Du lịch quốc gia (NDLQG) đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 vừa được chính thức công bố tại Đà Nẵng. Nhưng nhiều người còn mơ hồ về mục tiêu chủ yếu của chương trình là gì; và với quy mô đó, chương trình dự kiến sẽ thu hút bao nhiêu du khách, có chính sách gì dành cho các hãng lữ hành đưa khách đến các địa phương hay không...

Theo Ban tổ chức (BTC), với chủ đề “Văn minh sông Hồng”, NDLQG 2013 sẽ diễn ra trong suốt cả năm sau, trong đó Tuần Văn hóa - Du lịch đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 gắn với Lễ hội Hoa phượng đỏ lần thứ 2 là hoạt động cốt lõi, và trọng tâm là đêm khai mạc vào ngày 11-5 nhân kỷ niệm 58 năm Ngày Giải phóng thành phố Hải Phòng. Sẽ có 23 sự kiện do Bộ VH-TT&DL chỉ đạo hoặc phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức cùng các chương trình, sự kiện khác được tổ chức tại các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng.

Từ năm ngoái, Hải Phòng đã khởi động rất sớm cho NDLQG 2013 bằng việc tổ chức các tọa đàm, chuyên đề lấy ý kiến các chuyên gia về quy mô hoạt động, các sự kiện tâm điểm... Bên cạnh đó, Hải Phòng đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án như chỉnh trang dải trung tâm thành phố, nâng cấp tuyến đường đi Cát Bà, nâng tốc độ các phà từ Đình Vũ đi Cát Bà, hoàn thiện việc đặt tên 10 đường, 62 phố tại các quận, huyện có trọng điểm du lịch để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tra cứu thông tin khi đi đến du lịch Hải Phòng... Mới đây, Hải Phòng cũng hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới... Hiện thành phố này có hơn 300 khách sạn đã xếp hạng sao với hơn 7.500 phòng đang được rà soát, chỉnh trang để sẵn sàng đón khách du lịch trong mùa cao điểm và những lễ hội lớn.

Cũng như Hải Phòng, các tỉnh đồng bằng sông Hồng đã có sự chuẩn bị khá chu đáo cho NDLQG 2013. Nhưng trong buổi họp báo công bố chương trình tại Đà Nẵng, không ít người tỏ ra băn khoăn về hiệu quả của chương trình và sự liên kết giữa các địa phương trước, trong, sau khi tổ chức sự kiện mang tầm quốc gia này. Có thể thấy, các hoạt động văn hóa - thể thao - du lịch hầu như chỉ được tổ chức theo từng thế mạnh của địa phương, mà không có tính thống nhất và không thể hiện tính liên kết trong một tổng thể của chuỗi sự kiện. BTC cũng chưa có minh chứng xác thực về việc thực hiện các tour, tuyến, các sản phẩm, các chính sách giá mang tính liên kết, phối hợp giữa ngành du lịch và các doanh nghiệp du lịch của các địa phương. Vì vậy, mặc dù đưa ra một loạt hoạt động từ hoạt động của các Bộ, ngành Trung ương đến hoạt động do các địa phương tổ chức, nhưng BTC vẫn chưa thể xác lập được mục tiêu thu hút bao nhiêu du khách tương xứng với mức độ đầu tư và quy mô của sự kiện.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam, nói rằng việc chọn một địa phương đăng cai NDLQG 2013 sẽ góp phần thúc đẩy nhận thức của các cấp, ngành địa phương về kinh tế du lịch. Bởi chỉ khi có nhận thức đúng về nền kinh tế không khói này, một địa phương mới có thể có các kế sách thích hợp để phát triển du lịch hiệu quả. Nhưng tạo ra nhận thức vẫn là chưa đủ. Không nhìn đâu xa, vì xác định chọn du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn, bên cạnh đưa ra mục tiêu thu hút khách cho từng giai đoạn, Đà Nẵng đã có bước phát triển vượt bậc. Trong tình hình kinh tế khó khăn và du khách thắt chặt chi tiêu như hiện nay, trong 9 tháng đầu năm, Đà Nẵng vẫn khai thác được hơn 2,1 triệu lượt khách, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hơn 10 đường bay thẳng quốc tế từ Đà Nẵng đến các nước trong khu vực và thế giới đã đưa hơn 100.000 lượt khách nước ngoài đến Đà Nẵng, thúc đẩy lượng khách qua đường hàng không tăng gần 250% so với thời điểm này năm trước. Với các chính sách, đầu tư xứng đáng cho du lịch, ngoài Đà Nẵng, thì Quảng Nam với Hội An, Phan Thiết với Mũi Né, và Khánh Hòa với Nha Trang là những địa phương được đánh giá có mức tăng trưởng du khách cao nhất trong năm nay.

Vì vậy, xây dựng một NDLQG chỉ để tạo nên nhận thức là khá tốn kém. Việc xác định mục tiêu thu hút khách để xác định các chương trình tâm điểm phục vụ khách du lịch cần phải được đặt lên hàng đầu.

PHONG KHÁNH

;
.
.
.
.
.