.

Áp lực nghề giáo

Hơn 400 giáo viên xuất sắc trên cả nước đã được Bộ GD-ĐT vinh danh tại lễ tuyên dương giáo viên dạy giỏi tiểu học toàn quốc năm học 2012-2013 diễn ra ở thành phố Đà Nẵng vào giữa tháng 11 này. Trong đó, Đà Nẵng có 9 giáo viên. Đây là niềm vinh dự, tự hào của ngành GD-ĐT cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng. Song, với những danh hiệu như thế, người làm nghề dạy học càng phải nỗ lực để xứng đáng thiên chức cao quý mà xã hội đã, đang và sẽ luôn kỳ vọng.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, người cách đây 60 năm đã quặp viên gạch non trong hai ngón chân tập viết trên sân, nỗ lực không ngừng để có con chữ tròn trịa và để được đứng trên bục giảng, cho rằng bản thân nghề giáo đã là một áp lực, thầy giáo luôn phải giữ một hình ảnh đẹp đẽ, chỉn chu trong mắt học sinh. Sự phấn đấu của thầy Ký tựa như câu chuyện cổ tích đầy ắp tình người và gieo tình yêu nghề giáo cho bao bạn trẻ. Đã có rất nhiều câu chuyện trên các phương tiện truyền thông làm lay động biết bao trái tim về những tấm gương thầy cô giáo khuyết tật, khiếm thị nhưng vẫn lặng lẽ mang cái chữ làm đẹp cho đời; hay những thầy, cô giáo tình nguyện dạy học ở biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Khó khăn chồng chất nhưng họ chưa bao giờ thôi khát khao, chưa bao giờ từ bỏ ước mơ sống có ích. Các thầy, cô là những bông hoa rực rỡ, làm cho cuộc sống còn lắm bộn bề và tất bật những lo toan trở nên rất đỗi ấm áp.

Song, khi xã hội càng phát triển, bên cạnh những tấm gương nhà giáo điển hình, mẫu mực, vẫn còn rất nhiều câu chuyện buồn trong ngành GD-ĐT, tạo nên bức xúc cho dư luận. Đơn cử là chuyện dạy thêm - học thêm hay chuyện phong bì, quà tặng trong Ngày Nhà giáo Việt Nam. Vô hình trung, Ngày Nhà giáo Việt Nam - ngày tôn vinh, ghi nhớ công ơn của những người đi gieo chữ - không những trở thành áp lực cho không ít gia đình mà còn tạo ra cách nhìn, cách nghĩ khác về hình ảnh của người thầy thời hiện đại. Xét cho cùng, nguyên nhân cũng do đồng lương của giáo viên quá ít ỏi. Lương ít, trọng trách nhiều; để thầy, cô giáo sống được thì những hệ lụy nảy sinh là điều dễ hiểu.

Những người không công tác trong ngành GD-ĐT thường cho rằng, nghề giáo rất nhàn nhã và cũng mong muốn con em mình gắn bó với sự nghiệp trồng người. Nhưng dấn thân vào nghề mới thấy nghề giáo không hề nhàn. Giáo án, dụng cụ trực quan sinh động, chấm bài, trả bài, dự giờ, thao giảng, yêu cầu đổi mới cách thức dạy và học…, có thể nói rằng hàng loạt vấn đề đặt ra, chưa kể đến yêu cầu về sự chuẩn mực, gương mẫu, uốn nắn học trò và phải ứng xử hài hòa, phù hợp với học sinh, gia đình học sinh và cả những người xung quanh... Rồi những tình huống sư phạm dở khóc dở cười với học sinh chưa ngoan; những suy tư, trăn trở trước học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Một người thầy giáo, cô giáo thật sự yêu nghề sẽ đối mặt thường xuyên với những áp lực như thế. Nhưng thực tế, nếu lương không đủ sống thì làm sao vượt lên chính mình, làm sao đòi hỏi tình yêu nghề!

Tuy nhiên, cũng không có nghĩa là đổ lỗi hoàn toàn cho hoàn cảnh. Nhưng cân bằng được giữa áp lực cơm - áo - gạo - tiền với áp lực công việc, trách nhiệm mà xã hội phó thác thì thật khó!  

Nước ta luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu và nêu cao truyền thống tôn sư trọng đạo. Vấn đề cấp bách cải cách giáo dục cũng đang được đặt ra, nhưng dù cải cách như thế nào đi nữa để xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, thì người thầy cũng phải đóng vai trò trung tâm trong thiên chức dạy chữ - dạy người.

TÚ PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.