Phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình kết thúc vào chiều 13-11 tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII dường như chưa thỏa mãn sự mong đợi của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và cử tri cả nước. Những con số bất cập về chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, nợ xấu và lợi ích nhóm đều chưa cho thấy hướng xử lý, khắc phục triệt để của người đứng đầu ngành.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã kiên quyết giữ vững lập trường “không nhất thiết phải bình ổn vì không ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô” (!?). Câu trả lời này bất nhất với chính sách siết chặt quản lý thị trường vàng hiện nay của NHNN đang thực hiện với lý do chống vàng hóa, nói “không” với việc dùng vàng làm phương tiện thanh toán. Lại càng mâu thuẫn hơn khi Thống đốc bảo vệ lập trường coi vàng là hàng hóa đặc biệt nhưng không cần quản lý chất lượng mà chỉ cần quản lý thương hiệu.
Đối với nợ xấu, các đại biểu càng thiếu lạc quan khi Thống đốc NHNN đánh giá nợ xấu ở mức 8,6% là không nghiêm trọng, đồng thời không hứa hẹn gì về xử lý nợ xấu cũng như khả năng xoay chuyển tình hình nợ xấu đến cuối năm nay và giữa năm sau. Phải chăng Thống đốc quá lạc quan hay các đại biểu quá bi quan đối với nợ xấu? Trong khi đó, NHNN đang có kế hoạch thành lập công ty mua bán nợ, tiếp tục siết chặt tín dụng. Doanh nghiệp “thiếu máu”, hàng tồn kho không được xử lý, sản xuất đình đốn thì doanh nghiệp lấy đâu ra tiền để trả nợ? Như vậy, sự nghi ngờ của cử tri về khả năng giảm nợ nợ xấu trong năm 2013 vẫn chưa được giải tỏa.
Vấn đề nợ xấu đi đối với lợi ích nhóm đã được Thống đốc khẳng định nhiều lần là “có”. Tuy nhiên, địa chỉ cụ thể vẫn không được nêu ra và tất nhiên qua theo dõi trực tiếp, các cử tri càng bất an hơn khi Thống đốc chia sẻ: “Chưa bắt ép một tổ chức tín dụng nào phải tái cấu trúc; Thanh tra NHNN chỉ vạch rõ yếu kém và dành phương án ưu tiên cho tổ chức tự khắc phục”. Những tiêu cực trong các tổ chức tín dụng làm lũng đoạn thị trường tiền tệ và thị trường bất động sản gây ra hậu quả kinh tế - xã hội hết sức nghiêm trọng nhưng vẫn chưa được xử lý dù chỉ ở biện pháp hành chính thì nền kinh tế nước ta không thể thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng như mục tiêu đã đề ra. Trong khi đó, tại Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã từng đưa ra giải pháp răn đe với lợi ích nhóm của các tổ chức tín dụng, cho rằng người Đà Nẵng sẽ sẵn sàng “tẩy chay” những ngân hàng cố tình o ép doanh nghiệp.
Để xử lý nợ xấu, người đứng đầu NHNN còn đưa ra giải pháp bằng cách “đá bóng” sang Bộ Xây dựng với lý do hơn 66% tài sản bảo đảm dư nợ là bất động sản. Vì vậy, Bộ Xây dựng phải có trách nhiệm giải quyết khâu tiêu thụ của thị trường bất động sản (!?).
Trả lời của Thống đốc Nguyễn Văn Bình không xua tan quan ngại, bất an của ĐBQH và cử tri về vàng, xử lý nợ xấu vì sự bất cập, mâu thuẫn của các giải pháp. Lẽ đương nhiên, tái cấu trúc nền kinh tế là công việc của cả hệ thống chính trị như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Thống đốc NHNN sẽ không “đơn phương”, nhưng phải là người chịu trách nhiệm chính về những vấn đề mà chính phủ và Quốc hội giao phó”. Vì vậy, thay vì đổ lỗi cho nhau hay đổ cho cơ chế thì người đứng đầu NHNN phải tham mưu Chính phủ đề ra các giải pháp đúng đắn, tránh gây hoang mang cho người dân.
THU PHƯƠNG