.

Chuyện áo ngực chứa “chất lạ”

Việc cơ quan chức năng phát hiện áo ngực xuất xứ Trung Quốc có chứa “chất lạ” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung càng làm tăng thêm nỗi lo lắng vốn thường trực của người dân về chất lượng hàng Trung Quốc. Điều đáng nói là những áo ngực của Trung Quốc đã xuất hiện từ lâu trên thị trường Việt Nam và bán rất chạy bởi vừa túi tiền của người dân lao động và sinh viên.

Như vậy, đã từ lâu, chị em vẫn hằng ngày dùng những sản phẩm không bảo đảm an toàn mà không hay biết. Người dân tự hỏi, vậy những mặt hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc này đã được kiểm tra, kiểm soát như thế nào và trách nhiệm của các cơ quan quản lý đến đâu?

Chuyện hàng Trung Quốc kém chất lượng đã không còn là chuyện lạ. Mới đây, hàng trăm người dân ở Đắc Nông đã mang các sản phẩm xoong, nồi, dao kéo… có xuất xứ Trung Quốc trả lại cho nơi bán vì kém chất lượng. Rồi các sản phẩm sữa bột, quần áo, đồ chơi, hoa quả xuất xứ từ Trung Quốc cũng khiến người tiêu dùng phập phồng lo lắng khi lựa chọn. Với những người tiêu dùng ở nhiều quốc gia, họ có quyền nói “không”, thậm chí tẩy chay loại hàng hóa kém chất lượng trên thị trường. Còn ở nước ta, khi quyền của người tiêu dùng chưa được phát huy một cách hiệu quả, Hội Bảo vệ người tiêu dùng cũng chỉ hoạt động mờ nhạt, chủ yếu làm chức năng cầu nối phản ánh sai phạm của những đơn vị trong nước thì hàng ngoại “dỏm” vẫn có cơ hội tung hoành trên thị trường. Để người tiêu dùng có thể “tẩy chay” với hàng ngoại “dỏm” thì các doanh nghiệp Việt Nam phải thật sự làm chủ thị trường để cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng mà giá thành cũng vừa phải. Một thực tế là tại thị trường Việt Nam xuất hiện nhiều loại áo ngực có dòng chữ “Made in Vietnam”, giống hệt các mẫu áo ngực của Trung Quốc nhưng không có tên công ty, đơn vị sản xuất. Như vậy, muốn loại bỏ những sản phẩm kém chất lượng, các doanh nghiệp cũng phải tự minh bạch với mình để tạo uy tín với người tiêu dùng. Thanh lọc ngay trong chính những doanh nghiệp của mình, thị trường của mình cũng là cách để hàng “dỏm” từ nước ngoài khó có thể trà trộn, thậm chí giả thương hiệu hàng Việt, gây hại cho người dùng.

Nói gì thì nói, trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về các cơ quan chức năng. Không phải chờ đến khi người tiêu dùng báo thì mới vào cuộc. Cũng không thể lấy lý do lực lượng mỏng mà ngay từ bây giờ quản lý thị trường phải thật sự làm hết trách nhiệm, siết chặt quản lý hơn nữa. Như vậy, trong khi các ngành còn đang loay hoay bàn nhau việc kiểm định mức độ độc hại đến đâu thì hằng ngày, người tiêu dùng với túi tiền eo hẹp vẫn phải nhắm mắt lựa chọn những sản phẩm giá rẻ, chất lượng mù mờ, đánh cược sức khỏe của chính mình. Đừng đổ cho người tiêu dùng không thông thái mà các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp cùng những biện pháp cụ thể hơn, chặn từ gốc (chứ không phải hớt ngọn) như quản lý chặt chẽ ngay tại cửa khẩu cho đến lưu thông trong nước…

PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.