.

Chuyên trách và chuyên nghiệp

Trong 2 ngày tiếp xúc với Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Đà Nẵng vừa qua, nhiều cử tri cho rằng, hoạt động của QH ngày càng có chất lượng, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, quyết định những vấn đề lớn của đất nước. Nhiều ĐBQH tham gia các hoạt động của QH một cách có trách nhiệm, thể hiện rõ năng lực và tinh thần, thái độ làm việc nghiêm túc, thẳng thắn..., góp phần vào thành công chung của kỳ họp thứ 4.

Tuy nhiên, cùng với việc đề nghị tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của QH một cách mạnh mẽ hơn nữa, các cử tri thành phố cũng đề nghị cần tăng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách trong QH. Lý giải điều này, có ý kiến cho rằng, ĐBQH chuyên trách sẽ có nhiều thời gian chuyên tâm hơn cho các hoạt động của QH như: tiếp xúc cử tri, giám sát, kiểm soát, chất vấn, nghiên cứu xây dựng luật..., đồng thời không bị những mối quan hệ chồng chéo, ràng buộc, nhất là với cơ quan hành pháp, tác động đến chất lượng hoạt động của mình.

Trả lời cử tri về vấn đề bức xúc này, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh cho rằng, vấn đề quan trọng không phải là ĐB “chuyên trách”, mà nằm ở chỗ “chuyên nghiệp”.

Trong những năm qua, tỷ lệ ĐBQH chuyên trách ngày càng được nâng lên nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động trong thời kỳ đổi mới. Hoạt động của QH đã có những chuyển biến rõ rệt với không khí đổi mới, dân chủ, tinh thần phản biện ngày càng cao hơn, từ đó nâng cao chất lượng của mình. Thể hiện rõ nhất là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng công khai, minh bạch, dân chủ, thẳng thắn; hoạt động nghị trường ngày càng sôi nổi và chất lượng hơn... Đặc biệt, kỳ họp thứ 4 QH khóa XIII cũng đã thông qua Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Đây là một bước tiến mới trong quá trình đổi mới, thực thi dân chủ ngày càng rộng rãi hơn, nâng cao quyền lực của cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước và của địa phương.

Tuy nhiên, hoạt động của QH nói chung và ĐBQH nói riêng chưa thật sự chuyên nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu của thời cuộc và mong mỏi của đông đảo cử tri. Vai trò giám sát, kiểm soát quyền lực, công tác xây dựng luật... của QH chưa thật sự chuyên nghiệp. Trong bối cảnh đó, các ĐBQH chưa thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm cụ thể của mình so với vị trí là người đại biểu của nhân dân trong cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Vấn đề này thể hiện rõ trong thực tiễn đời sống; những bất cập, hạn chế cũng đã được nêu ra nhiều trong thời gian qua.

Chính vì vậy, vấn đề quan trọng là cùng với việc đổi mới hoạt động của QH, trong đó có việc nâng số lượng ĐBQH chuyên trách lên một tỷ lệ hợp lý so với tình hình và nhu cầu của đất nước, thì việc nâng cao chất lượng ĐBQH để họ thật sự trở thành những đại biểu chuyên nghiệp là vấn đề cần thiết và sớm được giải quyết. Theo đó, ĐBQH chuyên nghiệp cần có một cơ chế hoạt động chuyên nghiệp, thật sự thể hiện được quyền lực nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình; trong đó có các quyền và nhiệm vụ cơ bản như: lập hiến, lập pháp, giám sát, chất vấn, quyết định các vấn đề đối nội, đối ngoại, các nhiệm vụ của đất nước, tiếp xúc cử tri... Đồng thời, ĐBQH chuyên nghiệp phải có năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, phẩm chất đạo đức và bản lĩnh chính trị vững vàng... đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mà cử tri giao phó. Có như vậy, việc giải quyết bài toán giữa ĐBQH chuyên trách và ĐBQH chuyên nghiệp sẽ căn cơ hơn, không phụ thuộc quá nhiều vào tỷ lệ ĐBQH chuyên trách, mà phụ thuộc vào chất lượng của ĐBQH nói chung.

Việc xây dựng đội ngũ ĐBQH ngày càng chuyên nghiệp hơn, cũng chính là cơ sở cho việc xây dựng một đội ngũ đại biểu chuyên nghiệp ở cấp HĐND - cơ quan quyền lực của Nhà nước ở địa phương.

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.