.

Đầu tư cho cái “phụ”

Vì cứ cho nhà vệ sinh là “công trình phụ”, nên vài năm trước, rất nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố, nhất là ở những khu vực ven biển và ngoại thành, gần như coi việc có hay không nhà vệ sinh cũng chẳng mấy quan trọng. Muốn phóng uế, ra… giữa trời. Muốn tắm giặt, cũng ra… giữa trời. Điều này đã ảnh hưởng xấu đến môi trường sống xung quanh, gây mất mỹ quan đô thị.

Tuy nhiên, “kỷ niệm” hay nỗi ám ảnh của một thời nghèo khó, nay đã thay đổi đáng kể bằng thực tế nhà nhà đã đầu tư cho cái chỗ đi vệ sinh một cách đàng hoàng hơn. Đằng sau đổi thay này có một sự đóng góp thầm lặng của phụ nữ thành phố, với sự quay vòng từ nguồn Quỹ vệ sinh.

12 năm qua (từ năm 2000 đến nay), Quỹ đã đến với 20.680 hộ nghèo, nghĩa là đã có chừng ấy nhà vệ sinh được xây mới, sửa chữa. Riêng giai đoạn từ 2006-2012, tổng vốn giải ngân đạt gần 39,7 tỷ đồng, giúp cải tạo nhà vệ sinh cho 11.115 hộ. Có 51 xã, phường, thuộc 7 quận, huyện được ưu tiên triển khai Quỹ này. Quỹ quay vòng vốn vệ sinh được chia thành 689 nhóm tín dụng tiết kiệm, mỗi nhóm trung bình 10 thành viên. Từ vài triệu đồng được vay của nguồn Quỹ này, mỗi thành viên sẽ phải thực hiện đúng cam kết là hoàn thành cải tạo công trình vệ sinh trước 30 ngày sau khi được giải ngân. Nhờ đó, có thể nói, đã xuất hiện một bức tranh đời sống khác ở những khu vực vốn bị cho là “điểm nóng” về tình trạng vệ sinh bừa bãi.

Đầu năm 2006, trên địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu), nơi người dân chủ yếu sống ở làng biển, tỷ lệ hộ nghèo cao, có đến 400 hộ chưa có công trình vệ sinh. Đến nay, 100% hộ đã xây nhà vệ sinh. Cái được lớn nhất từ chương trình này là tỷ lệ mắc bệnh phụ khoa trên tổng số phụ nữ đi khám đã giảm từ 60% (năm 2006) xuống dưới 5% (năm 2012). Tương tự, ở phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), nơi có nhiều dân tạm trú, tỷ lệ hộ có nhà vệ sinh chỉ từ 15-20%, tức từng có đến 80-85% hộ không có nhà vệ sinh. Và vẫn là con số lạc quan tại thời điểm này, đa số hộ đã xây được nhà vệ sinh hợp quy cách.

Có quỹ để hoạt động là điều đáng kể đầu tiên, song điều đáng ghi nhận hơn hết ở chương trình này là công sức nhỏ bé và lặng lẽ của các chị (689 nhóm trưởng) quản lý vốn tín dụng tại từng phường, từng chi, tổ hội, đã ngày qua ngày góp phần tạo thành lề lối sinh hoạt mới trong khu dân cư như những gì đang thấy. Từ những người buôn bán, cán bộ nghỉ hưu, v.v…, bằng sự nhiệt tình, các chị đã thu xếp việc riêng để hoàn thành nhiệm vụ của người quản lý vốn. Các chị tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu hộ nghèo, khảo sát việc sử dụng vốn đúng mục đích, tiếp theo đó là quá trình thu hồi vốn bằng tất cả sự kiên trì và chia sẻ. Có vay thì có trả, điều này tưởng là quy luật chẳng ai chối bỏ được. Nhưng với hộ nghèo, việc trả góp mỗi lần 10 nghìn đồng hay 7 nghìn đồng đến khi hết khoản nợ vài triệu, đôi khi là một quá trình cực kỳ khó khăn. Nói thu nợ bằng sự chia sẻ là vì vậy.

Chưa có nhà vệ sinh thì người ta cảm thấy khá thoải mái khi “đi ngoài” lộ thiên. Nhưng đã có nhà vệ sinh và đã dần quen với việc sinh hoạt đúng nơi quy định thì chắc chắn rằng chẳng mấy ai còn thấy tự nhiên trước… thiên nhiên nữa. Làm thay đổi nhận thức từ một công trình nhỏ thể hiện rõ ở đây. Thêm vào đó, những người từng nghĩ khu vệ sinh chỉ là chỗ “phụ” trong nhà, giờ đây đã nhận ra nó rất “chính” và rất cần được quan tâm.

TOÀN VÂN
 

;
.
.
.
.
.