Công tác tiếp xúc cử tri của các đại biểu HĐND thành phố trước thềm kỳ họp thứ 5, HĐND thành phố khóa VIII cho thấy có rất nhiều vấn đề nổi lên như đình đốn sản xuất, chậm triển khai dự án, giãn tiến độ công trình giải tỏa, đền bù, chậm xử lý ngập úng cục bộ…
Nguyên nhân xuất phát từ khó khăn về nguồn vốn của cả Nhà nước lẫn tư nhân do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Có lẽ đây là kỳ họp mà khối lượng công việc khá lớn, làm đau đầu các nhà quản lý và hoạch định chính sách của thành phố Đà Nẵng. Việc khôi phục nền kinh tế của Đà Nẵng cần phải được nhìn nhận nghiêm túc bằng chương trình hành động cụ thể của từng ngành dựa trên lợi thế của địa phương, không thể ngồi chờ bão kinh tế “tự nhiên” đi qua.
Riêng đối với ngành du lịch, Đà Nẵng có lợi thế hơn 20km bãi biển được bình chọn vào loại đẹp nhất hành tinh. Đà Nẵng xác định thế mạnh kinh tế đầu tiên đến năm 2020 là du lịch - dịch vụ. Thế nhưng, ngoài những bãi biển có khu resort, biệt thự đã trao quyền khai thác và sử dụng cho các nhà đầu tư, các bãi tắm công cộng vẫn đang được tổ chức theo tư duy “bao cấp” nên không tận dụng được cơ hội tạo nguồn thu cho thành phố và việc làm cho người dân địa phương.
Có lẽ do xuất phát từ “ý tưởng” bằng mọi cách phải giữ bãi biển sạch, đẹp, thành phố đã tốn nhiều công sức và tiền của để bảo vệ bờ biển du lịch. Tuy nhiên, khi đã sạch, đẹp rồi thì Nhà nước cũng nên chuyển giao để doanh nghiệp tư nhân vào cuộc vừa tổ chức kinh doanh, vừa quản lý, duy trì cảnh quan bãi biển.
Mùa hè, lượng khách du lịch trong nước và người dân địa phương đến tắm biển mỗi ngày hàng ngàn lượt. Nhìn các bãi tắm với người đi như trẩy hội, nhiều doanh nhân “khát” được vào cuộc làm ăn nhưng không thể. Chủ trương không bán hàng rong, ốc hút trên bãi biển của thành phố là hoàn toàn đúng, nhưng nếu bỏ trống một thị trường người tiêu dùng dịch vụ có nhu cầu rất lớn về ăn uống, giải khát lúc đi du lịch, vui chơi, tắm biển thì thật lãng phí. Mỗi gia đình đi tắm biển chỉ phải chi trả 5.000 đồng cho việc gửi xe và tắm nước ngọt. Họ muốn xài tiền thì cũng không có dịch vụ nào khác để chi. Trong lúc đó, thành phố vẫn phải liên tục chi ngân sách cho việc dọn vệ sinh các bãi tắm công cộng và tổ chức lực lượng cứu hộ trên biển mà không có nguồn thu. Phải chăng kinh tế biển của Đà Nẵng vẫn chưa được khai thác đúng mực ở góc độ này?
Trên thế giới, ở bất kỳ nơi đâu có sự tập trung dân cư đông để hưởng thụ du lịch, giải trí thì các nhà chức trách đều khuyến khích cơ hội các nhà đầu tư đến tổ chức kinh doanh, vừa tạo ra lượng việc làm rất lớn cho người dân địa phương, vừa kích cầu phát triển kinh tế theo đúng định hướng. Nhà đầu tư sẽ nhận trách nhiệm trước Nhà nước về quản lý và duy trì môi trường bãi biển, và thậm chí họ còn có thể làm tốt hơn sự “bao cấp”. Cách làm của họ cũng sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường và nếp sống văn minh.
Những cửa hàng thức ăn nhanh có thương hiệu như KFC, Lotteria, McDonalds, King Burger là minh chứng về cách tổ chức kinh doanh hiệu quả, chất lượng dịch vụ ăn uống cũng như bảo vệ môi trường ở các khu vực vui chơi giải trí tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Khi các dịch vụ này được tổ chức đa dạng hơn thì khả năng “móc hầu bao” khách du lịch càng nhiều hơn.
THU PHƯƠNG