.

Lương và tham nhũng

Tăng lương thì nhỏ giọt, trong khi tiền tham nhũng trong những năm qua lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Nghịch lý này đang diễn ra và trở thành vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.

Theo Thanh tra Chính phủ, tội phạm tham nhũng năm 2012 tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các cơ quan thanh tra Nhà nước đã phát hiện 49 vụ, 67 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với giá trị tài sản là 132,7 tỷ đồng. Con số này thực chất chỉ là phần nổi của nạn tham nhũng, bởi thực tế, thất thoát do tham nhũng còn lớn hơn nhiều. Trong khi đó, tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 31-10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, chỉ có thể tăng lương tối thiểu cho cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ nghỉ hưu, người có công ở mức 100.000 đồng/tháng  vào tháng 7-2013. Mức tăng dự kiến quá thấp như vậy chắc chắn sẽ không thỏa mãn được sự trông đợi của những người làm công ăn lương. Và lẽ dĩ nhiên, không thể giúp họ cải thiện được điều kiện khi giá cả đang leo thang vùn vụt như hiện nay.

Thực tế cho thấy, chuyện lương bổng eo hẹp khiến một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức tìm mọi cách để tham ô tiền của Nhà nước với mức độ và hình thức ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Có thể hành vi tham nhũng khởi sự chỉ từ số tiền nhỏ, vài trăm nghìn đồng nhưng nếu không bị phát hiện thì hành vi này sẽ tiếp diễn và kéo dài theo thời gian. Nhưng đến lúc “lộ tẩy” thì số tiền thất thoát của Nhà nước đã lên tới mức cao, từ vài trăm triệu đồng cho đến hàng tỷ đồng.

Nhưng nói đi mới nhìn lại. Lương thấp, công chức không thể sống bằng chính đồng lương công sức mình làm ra, không thể đủ chi phí nuôi sống gia đình thì sự bức bách dẫn đến hành vi tham ô, tham nhũng là khó tránh khỏi. Hiện nay, trung bình một công chức, viên chức bình thường, làm việc trong các cơ quan Nhà nước với thời gian khoảng 5 năm thì mức thu nhập chưa đến 5 triệu đồng/tháng. Nếu tằn tiện trong chi tiêu thì chỉ vừa đủ sống chứ không thể dư giả để tích lũy, dự phòng cho việc mua sắm, cho những rủi ro có thể xảy ra trong cuộc sống. Liệu có quay trở lại như thời kỳ bao cấp, khi mà giáo viên, công chức không đủ sống bằng lương phải bươn chải kiếm sống bằng những việc làm thêm ngoài giờ hành chính? Nếu không đủ tiền nuôi sống gia đình và chống chọi với “bão giá” thì công chức, viên chức liệu có toàn tâm toàn ý làm việc? Câu chuyện lương bổng cứ luẩn quẩn trong suốt thời gian dài và điệp khúc “tăng lương, tăng giá” cứ đeo bám mãi những người làm công ăn lương. Thực tế, khó tránh khỏi những người lợi dụng quyền hạn, trách nhiệm để bòn rút tiền của của Nhà nước, vun vén, tư lợi cá nhân và chuyện tham nhũng, tham ô cứ tiếp diễn ngày càng nghiêm trọng mà không có biện pháp thật sự hữu hiệu nào để kiềm chế.

Tham nhũng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau chứ không riêng gì từ chuyện lương không đủ sống. Nhưng lương thấp vẫn được xem là nguyên nhân khách quan dẫn đến nhiều hành vi sai phạm. Từ đó, một trong những giải pháp đối phó với nạn tham nhũng mà Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đề nghị là chú trọng cải cách thực chất chế độ tiền lương. “Thực chất” đồng nghĩa với việc mức lương phải đúng với điều kiện kinh tế và đời sống của người dân hiện nay. Và quan trọng là làm sao để công chức, viên chức có thể sống được với đồng lương hằng tháng, dư giả để tích lũy và không còn bận tâm, lo lắng về chuyện lương bổng.

Trong điều kiện ngân sách Nhà nước hạn hẹp như hiện nay, chuyện tăng lương với mức 100.000 đồng/tháng được lý giải là nỗ lực của Chính phủ. Thế nhưng, chắc chắn mức tăng này chẳng thấm vào đâu so với mức tăng giá có thể sẽ xảy ra từ nay đến thời điểm tăng lương vào tháng 7-2013. Điều trước mắt mà công chức, viên chức trông đợi ở Chính phủ là việc thực hiện hiệu quả các biện pháp chống tham nhũng cùng với việc xử lý nghiêm khắc các hành vi sai phạm. Bởi theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, các vụ tham nhũng có quy mô lớn được phát hiện và xử lý còn ít, vẫn còn tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim” khi để những kẻ tham nhũng thoát tội và tiền thì chẳng thu hồi được. Nếu muốn ngân sách đủ dư giả để tăng lương thì việc chống tham nhũng, chống thất thoát tiền Nhà nước cũng là cách làm đáng phải tiến hành quyết liệt.

HÀ AN

;
.
.
.
.
.