.

Nghĩ về cách làm từ thiện

Khi trao đổi với một người bạn sẽ viết về cách làm từ thiện rất riêng của Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng, bạn tôi tròn mắt: “Làm từ thiện mà cũng có nét riêng nữa sao?”.

Bạn cũng như tôi, từng nghĩ làm từ thiện là mang cái mình có đi chia sớt với người khác. Như vậy thì ai cũng có thể làm từ thiện, và ai cũng làm từ thiện giống nhau. Nhưng thời gian tham gia theo dõi hoạt động phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố, tôi nhận ra một điều: làm từ thiện cũng cần… cá tính. Và cá tính ấy sẽ quyết định mục tiêu lẫn “thương hiệu” của chính mình.

Có một câu chuyện nhỏ đã để lại ấn tượng với tôi về cách nhìn trong công tác từ thiện của Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố. Đó là cách đây vài năm, khi nghe một số người xì xầm vài chị tại khu nhà liền kề dành cho phụ nữ nghèo, đơn thân nuôi con giờ đây không hẳn còn “đơn thân” nữa. Có vẻ đã bắt đầu xuất hiện bóng dáng đàn ông trong một số căn nhà này. Mang câu chuyện bên lề trên để thông tin lại với một cán bộ chủ chốt của Hội, tôi đã nhận được lời tâm tình: “Hội xây khu nhà này với mong muốn mang lại một mái ấm cho các chị. Nếu sau khi về nhà mới, các chị còn tìm được bờ vai nương tựa, và trái tim lại một lần nữa được sưởi ấm, thì đó mới là hạnh phúc thật sự. Ngôi nhà ấy mới đúng là mái ấm vẹn tròn”.

Phản ứng này đã nằm ngoài sự suy đoán ban đầu của tôi. Không là sự bao che hay phủ nhận, mà là cách nhìn rất nhân ái. Làm từ thiện không phải là hoạt động bề nổi, mà đằng sau cái chúng ta cho, người nhận sẽ được những gì mới là điều cần suy nghĩ và hướng đến.

Cũng tại khu nhà đặc biệt này, tôi nhớ ngày đầu tiên 126 chị được bàn giao chỗ ở mới, rất nhiều xúc cảm, tâm trạng lẫn lộn trên gương mặt những người đàn bà khắc khổ. Quần áo xộc xệch, dáng vẻ tự ti, các chị run rẩy nói lời cảm ơn khi giấc mơ về một ngôi nhà đã thành hiện thực. Rồi cái Tết đầu tiên ở đó, tôi quay lại viết bài ghi nhận không khí đón năm mới, thì dường như trước mắt tôi, mùa xuân đang ngập tràn. Đầu ngõ vào khu nhà, người bán hoa Tết không biết vô tình hay cố ý đặt cả rừng hoa cúc vàng ươm tràn xuống lòng đường, khiến một góc phố bỗng lung linh. Tôi nhớ cái dáng đon đả của chị Mẹo, người đàn bà không chồng đang chuẩn bị làm đám giỗ cho con. Bữa giỗ có cành quất được bắt điện nhấp nháy trong khoảnh khắc chuẩn bị đón giao thừa. Chị tất tả chạy ngược chạy xuôi bày biện, trang trí như muốn con có một ngày về với mẹ đầy đủ hơn, rộn ràng hơn trong ngôi nhà mà có lẽ con đã cùng mẹ mong ước. Tôi nhớ người phụ nữ ngồi xe lăn không lặng lẽ bên hiên như hồi mới đến. Chị cởi mở và mạnh dạn xã giao khi quanh mình cũng là những số phận đầy “khuyết tật”.

Rồi bão năm 2009 quét trơ trụi khu nhà. Mấy chị kể mái tốc, nhà dột, điện cúp… đều kêu cô Mười, cô Lan; gạo hết, tiền vơi cũng kêu cô Lan, cô Mười (các Phó Chủ tịch Hội). Vì thuộc diện bảo trợ nên cái chi cũng được chăm lo, các chị nghĩ vậy. Trên thực tế, Hội chỉ là chủ đầu tư, sau khi bàn giao nhà cho các đối tượng và Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng thì coi như Hội đã hoàn thành phần việc của mình. Nhưng vẫn luôn là sự chia sẻ chân tình không giới hạn trong trách nhiệm, các cô đã thường xuyên lui tới, lúc để giải quyết những phàn nàn kể trên; lúc với bao gạo, chai dầu ăn; và lồng vào trong những cuộc gặp mặt đó không bao giờ thiếu món quà tinh thần động viên, nhắc khéo chị em cần quan tâm chăm sóc bản thân, sức khỏe.

Ngoài công tác chăm lo cho phụ nữ, một việc làm đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ, đồng thời khởi nguồn cho hoạt động Hội, đó là chương trình chữa bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo. Cho đến bây giờ, đã có hơn 600 đứa trẻ được hồi sinh từ chương trình này. Với “bác Thành” (ông Trần Chí Thành - Phó Chủ tịch Hội, Chủ nhiệm Chương trình chữa tim bẩm sinh), mỗi cuộc đồng hành giành sự sống cho từng đứa trẻ đã trở thành trách nhiệm và lý tưởng sống của chính ông. Đã là lý tưởng thì người ta có thể vượt qua mọi trở ngại để hướng tới. Cũng chính vì lẽ đó mà phương châm của Hội nói chung, cá nhân ông nói riêng là bất kể trẻ em nghèo nào mắc phải căn bệnh này đều được dang tay cứu chữa một cách nhanh chóng nhất có thể. Vẫn đang trên hành trình mang lại những trái tim khỏe mạnh cho những đứa trẻ bất hạnh, song nếu có giây phút nào đó được nhìn lại một gương mặt bé thơ thân quen của chương trình từ nhiều năm trước, ông Thành cũng lập tức “à” lên nhớ mặt, đọc tên mà nêu rõ bệnh viện thực hiện ca bệnh ấy. Trái tim ông tự bao giờ đã hòa chung nhịp đập với từng hơi thở bé bỏng ấy…

Có thể nói, chừng ấy chỉ là một góc nhỏ trong bức tranh rộng lớn về hoạt động của Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố. Mọi người vẫn dùng từ “đồ sộ” để nói về khối lượng và hiệu quả công việc mà 10 năm qua Hội đã làm. Bởi cùng với các nhiệm vụ kể trên, chưa có một tổ chức Hội nào trên cả nước lại xây dựng hai bệnh viện đặc biệt phục vụ miễn phí cho người nghèo. Điều này một lần nữa cho thấy, cách làm từ thiện của Hội bao giờ cũng khác biệt. Mọi ca tụng, cảm phục về ý nghĩa nhân văn và sự quyết liệt thực hiện mục tiêu nhân đạo mà xã hội dành cho những công trình này đã phần nào cho thấy hướng đi, sự mở rộng của Hội đã được đón nhận nồng nhiệt.

Tôi không có ý so sánh việc làm từ thiện của nơi này với nơi khác, bởi đã là hành động có ích cho đời thì bằng cách nào cũng đáng trân trọng. Song, vẫn muốn nói về sự khác biệt trong cách làm từ thiện của Hội như là một “thương hiệu” không thể nhầm lẫn.

HƯỚNG DƯƠNG
 

;
.
.
.
.
.