.

Quy định rối, người dân cũng rối

Khi Nghị định 71/2012/NĐ-CP về xử phạt vi phạm giao thông được triển khai đã vấp phải phản ứng của dư luận. Song, dư luận không phản ứng tất cả nội dung sửa đổi của Nghị định 71 để thay thế cho Nghị định 34/2010/NĐ-CP, mà chỉ băn khoăn, lo lắng trước nội dung người điều khiển xe không chính chủ, với mô-tô, xe máy thì mức phạt cả triệu đồng/lần, còn đối với ô-tô thì mức phạt lên đến cả chục triệu đồng/lần.

Nghị định 71 làm nhiều người than thở rằng, nếu nhà chỉ có một chiếc xe máy thì tính làm sao đây, vì giấy tờ xe thì chỉ đứng tên một người. Còn nếu chấp hành đúng tinh thần của Nghị định 71, tức là xe ai người nấy đi, không cho mượn dù người trong một nhà, vậy thì chỉ còn cách mua xe mới cho đủ mỗi người một chiếc. Như vậy thì có đi ngược lại với chủ trương của Nhà nước là cố gắng hạn chế phương tiện cá nhân để chuyển sang đi các phương tiện công cộng? Đó là chưa kể với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, nhiều gia đình lấy đâu ra tiền để người dân trang bị mỗi người một chiếc xe.

Câu chuyện xe chính chủ khiến chúng ta nhớ đến quy định của Bộ Y tế về việc người thấp, nhẹ cân không được đi xe máy. Rất nhiều người dân đọc Quyết định 33 của Bộ Y tế mà lo lắng, nhất là những người thấp, nhẹ cân vì Quyết định ghi rất rõ: “Người dưới 40kg hoặc dưới 1,45m không đủ điều kiện điều khiển mô-tô từ 50 phân khối trở lên”. Tuy nhiên, trước sức ép mạnh mẽ của dư luận, cuối cùng Bộ Y tế đã xin rút lại quyết định thiếu thực tiễn và thiếu sự cân nhắc này.

Dĩ nhiên khi ban hành Quyết định 33,  Bộ Y tế cũng đã có lập luận rằng vì sự an toàn cho người tham gia giao thông, vì nếu thấp quá, nhẹ quá sẽ điều khiển phương tiện không an toàn. Thế nhưng, Bộ Y tế đã quên thống kê thực tế cho thấy số người thấp, nhẹ cân chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong các vụ tai nạn giao thông.

Tương tự, Nghị định 71 quy định “xe ai, người nấy đi” được lý giải rằng nhằm bảo đảm sự quản lý phương tiện tốt nhất, chống thất thoát nguồn thu thuế... Cách lập luận như vậy khiến người dân hiểu rằng, cơ quan Nhà nước đang đẩy cái khó trong công tác quản lý về phía người dân. Rồi trước sức ép của dư luận, cơ quan chức năng trả lời báo giới rằng, sẽ không xử phạt một cách máy móc, chỉ xử phạt chủ hiện tại của chiếc xe nếu xe mua bán quá 30 ngày mà không sang tên đổi chủ. Còn xe mượn, xe của gia đình, xe thuê... thì người dân không cần băn khoăn, chỉ khi phạm lỗi nghiêm trọng thì mới bị “hỏi thăm” về chuyện xe chính chủ hay không.

Để văn bản pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, thì trước hết văn bản đó phải phù hợp với thực tế và được đông đảo người dân ủng hộ. Còn nếu văn bản pháp luật của Nhà nước chưa phù hợp thì cần nhanh chóng sửa đổi, chứ quy định rối thì người dân cũng rối theo. Đó cũng là điều mà người dân mong muốn với Nghị định 71 hiện nay.

THANH SƠN

;
.
.
.
.
.