.

Sai lầm hay sai sót?

Phần chất vấn và trả lời chất vấn trong kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tuần qua vẫn để lại dư âm đối với cử tri, với cộng đồng mạng. Một trong những nội dung gây tranh luận là phần trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình.

Không rõ Thống đốc NHNN đã phạm phải sai lầm hay có sai sót khi ra sức khẳng định chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế lên đến 3-4 triệu đồng/lượng vẫn không gây tình trạng đổ xô đi mua vàng như trước. Nạn nhập lậu vàng gần như chấm dứt. Tỷ giá tiếp tục ổn định. NHNN không có chủ trương can thiệp bình ổn giá vàng, nghĩa là chấp nhận sự chênh lệch đó như một phần của giải pháp ổn định thị trường, thậm chí không chấp nhận sự liên thông giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới nhằm chống lại tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế.

Có lẽ Thống đốc đã bỏ qua những bài học lịch sử, thậm chí bỏ qua những quy luật kinh tế thông thường khi đưa ra những nhận xét vội vàng như trên. Hơn tất cả hàng hóa khác, từ khi trút bỏ vai trò là phương tiện tiền tệ thế giới, vàng vẫn được xem là hàng hóa đặc biệt, có độ nhạy cảm cao với giá cả thị trường quốc tế, tựa như giá dầu mỏ. Cung cầu vàng thị trường nội địa không thể tách rời với cung cầu vàng thị trường quốc tế. Điều này là tất yếu khách quan trong nền kinh tế có độ mở rất cao như nước ta (tỷ lệ kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP bằng 200%), không ai có thể can thiệp và biến động giá vàng là một trong những chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là với NHNN trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ quốc gia gắn với những tác động thường xuyên của thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế.

Không phải ngẫu nhiên mà những năm gần đây, tốc độ tăng giá của vàng trở nên “phi mã”, phản ánh sự bất an ngày càng tăng về tình trạng khủng hoảng phát sinh triền miên trong hệ thống kinh tế - tài chính toàn cầu. Với mức chênh lệch cao chưa từng có, lên đến 3-4 triệu đồng/lượng vàng như hiện nay, một mặt cho thấy “lỗi hệ thống” đang tạo ra sự mù mờ tai hại trên thị trường vàng nước ta, mặt khác tạo ra tâm lý “phòng thủ” nặng nề. Không ai dại đi mua vàng vào lúc này, nhưng cũng không ai khôn bằng người dân khi muốn cất trữ vàng bằng mọi giá, bất kể vàng miếng hay trang sức. Không những mục tiêu chống “vàng hóa” đã bị phá sản trên thực tế mà mong muốn khai thác “nguồn lực bị chôn vùi” (ước tính khoảng 15 tỷ USD) cũng sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Thực ra, người dân đã tỏ ra rất sáng suốt, không tự chôn vùi tài sản của mình mà đang tự bảo vệ mình trước những bất ổn về chính sách và thị trường.

Thống đốc đã rất chủ quan khi gắn thị trường vàng hiện nay với bối cảnh tỷ giá đang “rất ổn định”. Tỷ giá chịu tác động trực tiếp của các quan hệ xuất nhập khẩu hàng hóa là chủ yếu, trong khi xuất nhập khẩu vàng phi tiền tệ chiếm tỷ trọng nhỏ không đáng kể. Với thực trạng sản xuất - kinh doanh ảm đạm như hiện nay, xuất khẩu tăng khá, nhập khẩu suy giảm mạnh thì sự... đứng yên của tỷ giá là điều không có gì đáng ngạc nhiên.

Thống đốc đã viện dẫn “bộ ba bất khả thi” để khẳng định thực hiện đồng thời 3 mục tiêu kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng và ổn định tỷ giá là không khả thi. Đồng thời, ông cho rằng, mọi chính sách, trong đó có chính sách vĩ mô, không thể đáp ứng được mọi yêu cầu (!?).

Lý thuyết “bộ ba bất khả thi” là chính sách liên quan đến kinh tế quốc tế rằng, một quốc gia không thể đồng thời thực hiện 3 mục tiêu chính sách vĩ mô: ổn định tỷ giá, tự do hóa dòng vốn, chính sách tiền tệ độc lập. Vào những năm 1980, khi vấn đề kiểm soát vốn thất bại ở nhiều quốc gia cùng với mâu thuẫn giữa việc neo giữ tỷ giá và chính sách tiền tệ độc lập ngày càng rõ ràng thì lý thuyết “bộ ba bất khả thi” đã trở thành nền tảng cho kinh tế học vĩ mô của nền kinh tế mở.

Sự nhầm lẫn này, dù vô tình hay hữu ý, cũng không thể giúp biện hộ được cho cách lý giải của Thống đốc. Hay nói cách khác, vai trò của NHNN ở đâu và bất kỳ lúc nào đều hướng đến mục tiêu dài hạn là ổn định giá trị đồng tiền, qua đó trực tiếp hoặc gián tiếp đóng vai trò quyết định đến hỗ trợ tăng trưởng, kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá. Đây là trách nhiệm không thể thoái thác của NHNN. Dĩ nhiên, mọi tác động của chính sách điều hành đều không thể làm hài lòng tất cả mọi thành viên trong xã hội, nhưng trước hết phải phục vụ cho lợi ích chung của nền kinh tế, bảo đảm lợi ích chính đáng và hợp pháp của đại đa số người dân; và quan trọng hơn hết, phải phù hợp với quy luật kinh tế khách quan, bảo đảm tính công khai, minh bạch, tôn trọng pháp luật và thông lệ quốc tế.

TÂM DÂN

;
.
.
.
.
.