.

Sống để yêu thương nhau

Hôm nay, tròn 66 năm Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (23-11-1946 – 23-11-2012) và 36 năm Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) thành phố Đà Nẵng. Qua ngần ấy năm, hình ảnh cán bộ, hội viên và tình nguyện viên CTĐ đã trở nên gần gũi với nhân dân.

Một phong trào của Hội CTĐ chỉ mới xuất hiện vài năm trở lại đây nhưng đã tạo được dấu ấn, đó là “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”. Trong 3 năm qua, từ phong trào này, đã có 2.500 địa chỉ thường xuyên được giúp đỡ về sửa chữa, xây dựng nhà ở, học bổng, chữa bệnh, học nghề... Được biết, từ nay đến Tết Nguyên đán 2013, sẽ có thêm 17.000 đối tượng được hỗ trợ về vật chất.

Điều đáng ghi nhận không phải dừng ở những con số khá tròn trĩnh, mà ở sức lan tỏa ngày một lớn rộng của phong trào “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”. Từ chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp đến từng cá nhân đã chung tay làm công tác từ thiện. Đây là điều đẹp đẽ mà phong trào này đạt được. Xây dựng phong trào thì dễ, nhưng để nó phát triển và tạo thành một nếp sống quả là không đơn giản, nếu không xuất phát từ hiệu quả thực chất đong đếm được. Không ít người giờ đây đã làm từ thiện mà không còn cảm giác đang hưởng ứng “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” nữa.

Đó là “chất” phong trào đã ngấm vào họ tự bao giờ.

Người nghèo, neo đơn, nạn nhân chiến tranh, trẻ em mồ côi là những đối tượng đầu tiên được hưởng lợi từ phong trào này. Song, có thể nói, người dân thành phố nói chung cũng “vô tình” được hưởng lợi. Nói về Đà Nẵng, không ít người cho đây là thành phố nhân văn - nơi người có hoàn cảnh khó khăn luôn là đối tượng được quan tâm bằng những hành động cụ thể. Bên cạnh đó, việc con người luôn lấy tiêu chí yêu thương, chia sẻ lẫn nhau là mục đích phấn đấu, thì quả thật họ xứng đáng là những công dân của thành phố đáng sống. Hưởng ứng không chỉ để lấy tiếng… phong trào, mà tham gia phong trào để yêu thương nhau nhiều hơn thì còn gì mà ngần ngại.

HƯỚNG DƯƠNG

;
.
.
.
.
.