.

Tham nhũng và cái vòng luẩn quẩn

Tham nhũng đã và đang trở thành tệ nạn, len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, gây nên sự bất bình, ta thán trong dư luận xã hội nước ta hiện nay. Tại diễn đàn kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, vấn đề tham nhũng và chống tham nhũng được đặt lên bàn nghị sự, là mối quan tâm của các đại biểu và các tầng lớp nhân dân.

Báo cáo khảo sát xã hội học của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam vừa công bố có tên “Tham nhũng dưới góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” cho thấy, 4 lĩnh vực tham nhũng phổ biến nhất là cảnh sát giao thông (CSGT), quản lý đất đai, hải quan và xây dựng. Có thể đây là những lĩnh vực mà người dân thường xuyên cọ xát, sử dụng dịch vụ công nhất chứ chưa có đủ thông tin để kết luận đây là những lĩnh vực nhiều tham nhũng nhất. Song, nếu không được xử lý thích hợp, kịp thời thì tham nhũng trong các lĩnh vực này sẽ làm công chúng bức xúc. Theo khảo sát, 63% doanh nghiệp cho rằng, cán bộ, công chức cố tình dây dưa, 22% số cán bộ, công chức đã chứng kiến cán bộ, công chức khác cố tình trì hoãn công việc để đòi nhận hối lộ và 29% số người dân đưa hối lộ vì công việc bị cố tình dây dưa. Bên cạnh đó, 59% số doanh nghiệp nói rằng đôi khi họ xử lý khó khăn bằng cách đưa tiền hoặc quà biếu, 37% số người dân khi gặp khó khăn là đưa tiền ngay để giải quyết công việc.

Đặc biệt, đối với CSGT, khi người dân có việc liên quan đến lực lượng này thì nhiều khi buộc phải đưa hối lộ để xong việc. Không ít lần báo chí đã đưa ra nhiều vụ việc liên quan đến nạn nhận hối lộ của CSGT dưới nhiều dạng khác nhau, cả trên đường lẫn trong quán nhậu… Thượng tướng Lê Thế Tiệm, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an từng phê phán gay gắt tình trạng vòi vĩnh, nhận hối lộ trong lực lượng CSGT. Ông cho rằng, nếu chỉ làm nhiệm vụ đơn thuần, không vòi vĩnh, nhận hối lộ, thì vì sao không ít người muốn làm CSGT để xung phong ra đường, chịu cảnh nắng nóng, mưa lạnh, bụi bặm hằng ngày như vậy.

Những con số và lĩnh vực nói trên qua cuộc khảo sát tuy chưa phản ánh đầy đủ, nhưng phần nào đó cho thấy vấn nạn tham nhũng ở nước ta hiện nay rất phức tạp, đa dạng, trải đều từ cơ quan quản lý có liên quan đến các hoạt động của doanh nghiệp và người dân, cho đến ngoài xã hội, trên đường phố, nơi công cộng, mà đối tượng bị chú ý nhiều nhất là lực lượng quản lý thị trường và CSGT.

Một thực tế rất rõ là nước ta đang trong tiến trình chuyển đổi nền kinh tế, có nhiều chính sách chưa hoàn thiện, pháp luật chưa đồng bộ, tính minh bạch chưa cao, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hoạt động trong các cơ quan công quyền còn nhiều bất cập, yếu kém… Đội ngũ này đã tìm mọi cách để thực hiện các hành vi tham nhũng nhằm trục lợi cho bản thân và cho một nhóm người nào đó.

Cái vòng luẩn quẩn của tham nhũng trong hệ thống hành chính ở nước ta hiện nay có thể được đúc rút như sau: cán bộ, công chức gây khó khăn nên người dân, doanh nghiệp có động cơ chi hối lộ và khó khăn dường như được giải quyết nhanh chóng; thế là cán bộ, công chức có động cơ để tiếp tục vòng xoáy này.

Thuốc chữa căn bệnh này đã được kê toa nhiều lần, nhiều năm, nhưng xem ra bệnh đã lờn thuốc. Hội nghị Trung ương 4 của Đảng mới đây đã chính thức mở cuộc tấn công vào căn bệnh tham nhũng từ Trung ương tới cơ sở, trước hết là trong đội ngũ cán bộ của Đảng và Nhà nước, các cơ quan công quyền. Đi đôi với việc làm đó là nhanh chóng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, nâng cao tính minh bạch trong việc giải quyết các công việc có liên quan đến doanh nghiệp và người dân; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, các tầng lớp nhân dân và xử lý nghiêm minh những hành vi tham nhũng; nâng cao vai trò trách nhiệm của những người đứng đầu các cơ quan quản lý, không để xảy ra tình trạng tham nhũng tại cơ quan của mình…

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.