.

Tịch thu tài sản không kê khai

Tình trạng tham nhũng gia tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng đang làm nhân dân hết sức bất bình. Ngay tại diễn đàn Quốc hội, vấn đề này đã và đang “nóng” dần lên và được đưa ra mổ xẻ dưới nhiều góc độ nhằm tìm ra giải pháp hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng. Trong đó, việc tịch thu tài sản mà cán bộ, công chức cố tình che giấu, không kê khai là một trong những chế tài được các đại biểu Quốc hội đề cập, xem như một biện pháp quyết liệt để thẳng tay trừng trị hành vi tham nhũng.

Khởi điểm cho việc thực thi giải pháp này lại phụ thuộc vào các quy trình, quy định của luật pháp trong việc thực hiện kê khai tài sản. Theo Điều 45 Luật Phòng, chống tham nhũng, tài sản phải kê khai gồm các loại như: nhà, quyền sử dụng đất; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và các loại tài sản khác, giá trị của mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài; thu nhập phải chịu thuế theo quy định của pháp luật. Nhưng thực tế, ngoài việc kê khai nhà, quyền sử dụng đất hoặc thu nhập phải chịu thuế thì những tài sản có giá trị trên 50 triệu đồng trở lên gần như được rất ít cán bộ, công chức liệt kê trong danh sách cần kê khai. Và khi không khai thì cũng chẳng ai nghi ngờ, chẳng ai xác minh cho đến lúc xảy ra “sự cố” liên quan đến hành vi tham nhũng.

Bên cạnh đó, việc xác minh tài sản kê khai theo quy định của Luật thì chỉ được thực hiện khi xét thấy cần thiết để phục vụ cho việc bầu cử, bổ nhiệm, cách chức, miễn chức, bãi nhiệm hoặc kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản hoặc theo yêu cầu của Hội đồng bầu cử hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Như vậy, nếu không nằm trong những trường hợp nêu trên thì chẳng ai đến tận nhà xem xét, xác minh xem họ có tài sản trên 50 triệu đồng nhưng cố tình che giấu hay không. Vậy, Luật đặt ra yêu cầu cần kê khai nhưng đến quy trình xác minh, kiểm tra tính trung thực trong các bản kê khai đó thì lại thiếu quy định chặt chẽ, cụ thể. Điều đó dẫn đến tình trạng kê khai tài sản chỉ là hình thức, qua loa, đại khái, không có tính răn đe, không giúp ích trong việc phòng, chống tham nhũng và nói cho cùng chỉ là một cách hợp thức hóa việc thực thi Luật Phòng, chống tham nhũng mà thôi.

Vậy, nếu đặt ra chế tài xử lý là tịch thu tài sản không kê khai thì liệu có thể thực hiện trên thực tế không? Liệu đây có phải là cách để kiềm chế, ngăn chặn hành vi tham nhũng không? Hay cũng chỉ là cách làm mang tính tiêu cực, chỉ có thể cắt phần ngọn, còn gốc gác, căn nguyên, hậu quả của hành vi tham nhũng vẫn tồn tại?

Và một vấn đề khác nữa là nếu kê khai đầy đủ thì sẽ xử lý thế nào đối với những trường hợp mà tài sản kê khai vượt quá khả năng thu nhập mà cán  bộ, công chức đó được chi trả từ chính sức lao động và theo đúng vị trí mà họ đảm nhiệm? Luật chưa quy định cụ thể và thực tế chưa có ai bị xử lý, chưa có ai bị “liệt” vào danh sách cần phải kiểm tra, xác minh khi số tài sản họ sở hữu vượt quá nguồn thu nhập mà họ được hưởng một cách công khai.

Thêm vào đó, cá nhân, đơn vị, tổ chức nào sẽ đứng ra giám sát, xác minh để tiến hành việc tịch thu tài sản không kê khai? Khi Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng vẫn còn là cơ quan chịu sự quản lý của chính quyền các cấp thì rất khó có chuyện chủ động thực hiện việc bắt buộc kê khai cho đúng số tài sản cán bộ, công chức đang sở hữu. Chắc chắn sẽ có sự e dè, xuê xoa, thậm chí là sự đồng lõa, cả nể trong việc ghi nhận những nội dung đã được kê khai.

Thực tế cho thấy, chỉ khi nào một cá nhân, tổ chức bị phát hiện có hành vi tham nhũng và cần phải tiến hành các bước kiểm tra phục vụ cho công tác điều tra, làm rõ mức độ phạm tội thì mới có chuyện xác minh tài sản hiện có. Còn không thì cứ dựa vào những con số, những tài sản kê khai trên giấy của cán bộ, công chức mà chấp nhận như một sự thật hiển nhiên.

Như thế, xem ra việc tịch thu tài sản được cố tình che giấu rất khó thực hiện. Đó là chưa kể hệ thống quản lý hành chính trên mọi lĩnh vực đời sống vẫn còn nhiều lỗ hổng, dễ dẫn đến việc cất giấu, tẩu tán tài sản. Luật Phòng, chống tham nhũng đến nay vẫn chưa quy định cụ thể, rành mạch và gắn chặt việc kê khai với việc xác minh tài sản. Vì vậy, khai thì cứ khai, xác minh thì chẳng ai xác minh nên không có căn cứ nào để biết được tài sản hiện có là bao nhiêu, tài sản giấu giếm gồm những gì để mà tịch thu. Câu chuyện phòng, chống tham nhũng vẫn thật sự là cuộc chiến gian nan. Và thiết nghĩ, Luật pháp cần sửa đổi cho phù hợp với thực tế và trên hết, phải đủ sức răn đe, đủ sức ngăn chặn hành vi tham nhũng ngay từ lúc khởi phát, chứ không phải để đến lúc tham nhũng trở thành “con voi” to đùng mới phát hiện.

HÀ AN

;
.
.
.
.
.