.

Trách nhiệm của Bộ trưởng

Trách nhiệm của các Bộ trưởng đến đâu trong hàng loạt tồn tại là điều được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng như cử tri quan tâm, như việc hàng chục ngàn tấn xi-măng, thép bị tồn kho; vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng; trái cây có dư lượng chất bảo quản cao; đời sống của người dân vùng thủy điện; nợ xấu; giá xăng dầu; biến động của giá vàng trong nước; việc quản lý thị trường bất động sản, xử lý bất động sản “đóng băng”; tham nhũng, thất thoát trong ngành Xây dựng; các tập đoàn thua lỗ; chất lượng của khám, chữa bệnh… Cũng như những kỳ họp trước, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII lần này, cử tri mong muốn các ĐBQH chất vấn thẳng, truy đến cùng trách nhiệm của các vị “Tổng tư lệnh” khi để xảy ra những tồn tại, yếu kém, sai sót, để từ đó tìm giải pháp tháo gỡ.

Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng vào ngày 12-11, mở màn cho đợt chất vấn đã làm “nóng” nghị trường nhưng chưa làm cử tri thỏa mãn. Thay vì nhận trách nhiệm trong việc quản lý thị trường thì người đứng đầu ngành Công thương lại kêu gọi người tiêu dùng phải có trách nhiệm khi lựa chọn, mua sắm hàng hóa. Nói như thế chẳng khác gì bắt buộc người tiêu dùng phải là những nhà thông thái, có thể phân biệt được hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng. Trong khi đó, thực tế thì có phải ai cũng thông thái và luôn có “nhãn thần” soi rõ được các mặt hàng. Đồng thời, nếu người tiêu dùng đều thông thái thì cần gì đến cơ quan chức năng. Câu trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về vấn đề này không mới và vô hình trung “quả bóng” trong chân của Bộ Công thương lại được “đá” sang người tiêu dùng.

Các ĐBQH và cử tri cũng bức xúc với việc Petrolimex lỗ 1.423 tỷ đồng trong năm 2011, trong khi bình quân lương của tập đoàn hơn 6 triệu đồng/người, lương của Chủ tịch tập đoàn hơn 58 triệu đồng/tháng, Ủy viên HĐQT 42 triệu đồng/tháng, Trưởng ban Kiểm soát 41 triệu đồng, Phó Tổng Giám đốc 40 triệu đồng... Câu hỏi đặt ra là liệu tập đoàn này có thật sự lỗ hay không mà lương của lãnh đạo lại cao ngất ngưởng như thế? Trong khi đó, việc tăng lương cho cán bộ, công chức Nhà nước lại nhỏ giọt bởi Chính phủ than rằng, ngân sách đang gặp khó khăn! Và điều đáng nói là mỗi lần chuẩn bị tăng lương thì giá cả đã nhanh chân hơn “leo thang” trước rồi!

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các vấn đề được đặt ra và chất vấn tại kỳ họp lần này không mới nhưng cách giải quyết phải tạo được sức bật cho đất nước, nhất là khi chuẩn bị cho năm 2013.

Có thể thấy, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã thừa nhận việc điều hành còn nhiều bất cập, chẳng hạn như đối với giá xăng dầu. Không hẳn ngẫu nhiên mà chất vấn “Sao cứ họp Quốc hội là giảm giá xăng dầu” của một ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh lại làm nghị trường sôi nổi và thu hút sự chú ý của báo giới, cộng đồng mạng đến thế. Vậy thì có hay không sự “linh hoạt” trong điều hành giá xăng dầu của 2 Bộ Công thương và Tài chính? Câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ là “không” nhưng vẫn không thể xua tan sự nghi ngại của cử tri.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng khẳng định đã “chỉ đạo xem xét các cơ sở pháp lý cũng như cách điều hành để nhanh nhạy hơn, tránh tình trạng giá thế giới đã giảm lâu mà trong nước vẫn chưa giảm”. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng xác định Bộ này là một trong những cơ quan quản lý đầu tư xây dựng, sẽ phối hợp cùng các Bộ, ngành địa phương hoàn thiện pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng nhằm tránh lãng phí, thất thoát… Song, trả lời của các Bộ trưởng vẫn chung chung và trách nhiệm của Bộ đến đâu thì vẫn chưa được làm rõ. Rồi với những công trình không bảo đảm chất lượng thì trách nhiệm của Bộ Xây dựng như thế nào, thay vì cứ “quyết liệt tập trung tìm nguyên nhân, có giải pháp khắc phục”.

Chất vấn là giải trình để xem xét trách nhiệm và khắc phục tồn tại một cách hiệu quả, chứ không phải chỉ truy vấn, hứa hẹn hay thoái thác trách nhiệm và rồi... để đó. Vì vậy, cử tri không muốn thấy các Bộ trưởng “né” vấn đề, “đá bóng” sang sân người khác, đồng thời mong đợi được giải đáp cụ thể, sâu sắc, thẳng thắn hơn thế nữa, để rồi những người đầu ngành phải có hành động quyết liệt. Có lẽ niềm mong mỏi của cử tri hơn hết là các Bộ trưởng thật sự thấy “nóng” trên chiếc “ghế nóng” của mình.

TÚ PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.