.

Từ nhận lỗi đến sửa đổi

Buổi chất vấn sáng 14-11 đối với Thủ tưởng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thu hút sự theo dõi sát sao của dư luận. Đặc biệt, khi đại biểu Dương Trung Quốc đặt câu hỏi liệu Thủ tướng có đặt nặng trách nhiệm trước Đảng, xem nhẹ trách nhiệm trước dân không, và quan điểm của Thủ tướng về văn hóa từ chức như thế nào cho thấy hoạt động chất vấn thật sự không còn là hình thức mà đã gợi đúng điều người dân cần nghe cũng như làm rõ quan điểm của người đứng đầu Chính phủ về trách nhiệm của mình trong việc quản lý, vận hành bộ máy Nhà nước các cấp.

Phản hồi lại câu hỏi của ĐB Dương Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nghiêm túc nhận trách nhiệm với những yếu kém, hạn chế, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành trên các lĩnh vực; đồng thời khẳng định, Chính phủ sẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm tồn tại.

Lần đầu tiên tại kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng, đầu tàu của hệ thống chính quyền Nhà nước nhận lỗi. Thủ tướng nhận lỗi vì là người đứng đầu nhưng lại để xảy ra sai sót, yếu kém, khuyết điểm, khiến nhiều vấn đề tiêu cực trong xã hội gia tăng như tham nhũng, thất thoát trong kinh doanh của các tập đoàn kinh tế Nhà nước, nợ xấu tăng, niềm tin của dân giảm sút… Tuy nhiên, đằng sau trách nhiệm của Thủ tướng là sự liên đới trách nhiệm của cả hệ thống tham mưu và thực thi trách nhiệm dưới quyền. Điều này liên quan đến việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, đến trách nhiệm của tập thể và cá nhân những người đứng đầu khi để xảy ra sai sót. Như vậy, Thủ tướng - người đứng đầu Chính phủ nhận lỗi và lẽ đương nhiên, những Bộ trưởng - người đứng đầu các bộ, ngành cũng phải thẳng thắn thừa nhận sai lầm, khuyết điểm trong điều hành công việc của bộ máy chính quyền. Liệu có bộ trưởng, người đứng đầu các cơ quan Chính phủ nào thừa nhận khuyết điểm để rồi mạnh dạn từ chức hay không? Như ĐB Dương Trung Quốc thẳng thắn đề cập là “hướng tới văn hóa từ chức để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi” (?!). Bởi lẽ, người dân đã quá quen thuộc với chuyện nhận lỗi, hứa sửa sai rồi mọi chuyện vẫn xuê xoa, đâu lại vào đấy. Chẳng thấy ai đứng ra chịu trách nhiệm, hoặc chẳng thấy xử lý nghiêm khắc người chịu trách nhiệm về những sai lầm, hạn chế, yếu kém đã xảy ra.

Cũng tại buổi chất vấn, Thủ tướng đã đưa ra các giải pháp đồng bộ để sửa chữa những khiếm khuyết đang tồn tại. Đây là cách để sửa sai, là cơ hội để Chính phủ chứng minh năng lực điều hành của mình khi cố gắng “vá” lại những lỗ hổng đang lan rộng trong quá trình thực thi nhiệm vụ quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Chuyện thực thi những giải pháp này trong thời gian đến như thế nào là việc của Chính phủ. Nhưng người dân không muốn những giải pháp này chỉ là lời hứa hão, là cách để khỏa lấp những bức xúc của nhân dân trước các sai lầm, khuyết điểm mà Chính phủ đã để xảy ra trong thời gian dài, chậm xử lý, khiến hậu quả ngày càng nghiêm trọng hơn.

Trước mắt, điều hiện hữu mà người dân thấy được là thái độ nghiêm túc nhận lỗi của Thủ tướng nhưng tiếp sau đó, các giải pháp đưa ra có tạo sự chuyển biến trong đời sống xã hội, khắc phục được khiếm khuyết đang tồn tại hay không mới thực sự là điều người dân quan tâm. Lỗi ở đâu thì sửa chữa ở đó và ai làm sai cũng phải thẳng thắn nhận lỗi, hoặc chỉ rõ để có biện pháp buộc phải chịu trách nhiệm, thậm chí buộc từ chức nếu sai lầm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của xã hội.

Chất vấn quyết liệt và việc thẳng thắn nhận lỗi cho thấy có sự chuyển biến nhất định trong hoạt động của hệ thống chính quyền Nhà nước. Nhân dân đang thấy rõ được điều đó và chờ đợi những bước đi tiếp theo của những người đứng đầu Nhà nước trong việc điều hành, quản lý, đưa đất nước vượt qua những khó khăn hiện nay.

HÀ AN

;
.
.
.
.
.