Sứ mệnh của vàng với tư cách là hàng hóa đặc biệt đóng vai trò tiền tệ, đã kết thúc từ lâu. Chế độ tiền tệ “bản vị vàng” ở tất cả các quốc gia đã được thay thế bằng chế độ tiền giấy theo luật định. Điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng về mặt tư duy kinh tế - chính trị. Theo đó, Nhà nước chính thức từ bỏ vai trò độc quyền quản lý vàng, đồng thời thừa nhận vàng như một loại hàng hóa bình thường, được tự do mua bán trao đổi và chịu tác động chủ yếu của quan hệ cung cầu thị trường.
Ngoại trừ vàng dự trữ của ngân khố quốc gia, còn lại vàng thương phẩm, bao gồm vàng miếng và vàng trang sức, đều được lưu hành tự do ngoài thị trường nhằm đáp ứng các nhu cầu đa dạng của người dân, từ việc cất trữ, trang sức, quà tặng… Theo nguyên lý thông thường, nhu cầu thị trường cần phải được đáp ứng bởi chính các chủ thể tham gia trên thị trường, với một thị trường văn minh đúng nghĩa là phải bảo đảm các tiêu chí tối thiểu về tính cạnh tranh - tính minh bạch - thượng tôn pháp luật.
Cơ chế quản lý vàng như hiện nay, theo như cách diễn giải chính thức là “độc quyền Nhà nước, không độc quyền doanh nghiệp”. Theo đó, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, đồng thời nâng cấp thương hiệu SJC của một doanh nghiệp kinh doanh vàng trở thành thương hiệu vàng miếng quốc gia. Tuy nhiên, trong thực tế, giữa cách hiểu và cách làm đã có sự khác biệt nhau.
Bởi vì, thứ nhất, vàng miếng về bản chất là vàng thương phẩm, tự do lưu hành trên thị trường, từ xưa đến nay vẫn vậy nên không thể là đối tượng quản lý độc quyền Nhà nước mà chỉ là đối tượng quản lý kinh doanh thương mại thuần túy.
Thứ hai, nếu thừa nhận vai trò Nhà nước độc quyền quản lý là đúng thì cần thiết phải có những công cụ quản lý tương thích, có hiệu quả trên tinh thần tôn trọng tính tự do cạnh tranh của thị trường chứ không phải là ngược lại, đi thừa nhận thương hiệu của một doanh nghiệp trở thành thương hiệu quốc gia duy nhất? Vô hình trung, ngăn cản sự lựa chọn đa dạng của người tiêu dùng, khiến thị trường thêm bất ổn và tâm lý người dân càng bất an.
Thứ ba, nếu biện luận rằng, SJC chiếm trên 90% thị phần vàng miếng cả nước. Vì vậy, nâng cấp SJC thành thương hiệu quốc gia là hợp lý, điều này sẽ đi ngược lại với vai trò kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng của Nhà nước trong thể chế kinh tế thị trường, Nhà nước phải có trách nhiệm nuôi dưỡng những nhân tố cạnh tranh nhằm mục tiêu lành mạnh hóa thị trường, điều này luôn tốt cho nền kinh tế.
Cách đây hơn chục năm, VNPT cũng là doanh nghiệp viễn thông của Nhà nước luôn chiếm vị thế gần như độc quyền toàn diện, nhưng nhờ có chính sách đúng đắn mà ngày nay đất nước ta xuất hiện thêm những doanh nghiệp viễn thông khác, lớn mạnh hơn, không những đủ sức cạnh tranh trong nước, cung cấp dịch vụ giá rẻ, chất lượng tốt, mà còn đủ sức đi chinh phục cả thị trường nước ngoài. Bài học quản lý Nhà nước về kinh doanh mang nặng tính độc quyền như xăng dầu, điện lực… đến nay vẫn còn nóng hổi trên nghị trường Quốc hội. Trên tinh thần như vậy, liệu đất nước chúng ta nên cần những thương hiệu cạnh tranh mang tầm quốc gia, quốc tế hay là chỉ cần những thương hiệu doanh nghiệp gắn mác tên tuổi của quốc gia?
Thiết nghĩ, cần sớm nhìn nhận, đánh giá lại nhằm sửa đổi cơ chế quản lý vàng hiện nay nhằm hướng đến mục tiêu vừa bình ổn thị trường vàng, vừa kiến tạo lòng tin vững chắc vào đồng tiền quốc gia, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng và lành mạnh. Từ đó, đánh thức được nguồn lực vàng dự trữ trong dân để góp phần vào quá trình xây dựng, phát triển đất nước.
TÂM DÂN