.

Bình đẳng giới... chung chung

Một vị giám đốc tuyên bố từ nay về sau sẽ không bao giờ nhận lao động nữ vì chuyện bầu bì của chị em khiến việc của công ty bị ảnh hưởng. Dù cán bộ tổ chức và Công đoàn đã đưa ra những lập luận để bảo vệ lao động nữ, như thực hiện chế độ thai sản là nghĩa vụ của doanh nghiệp; hơn nữa, phụ nữ ngoài vai trò là người lao động, họ còn phải hoàn thành thiên chức làm mẹ để phát triển xã hội, nhưng vị giám đốc này vẫn giữ lập trường kiên quyết nói “không” với phụ nữ.

Trên đây chỉ là tiểu phẩm được các sinh viên Trường ĐH Duy Tân thể hiện tại một buổi truyền thông về bình đẳng giới. Song, câu chuyện tưởng chỉ diễn ra trên sân khấu lại đang xuất hiện đầy rẫy ở đời sống thực. Cũng tại buổi truyền thông đó, ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, thành viên Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ thành phố Đà Nẵng đã dẫn một câu chuyện thực tế cho thấy sự phân biệt nam - nữ trong công việc còn rất nặng nề. Ông Tiếng cho biết, có một nữ sinh viên tốt nghiệp cử nhân tại Nhật Bản và thạc sĩ ngành Tài chính ngân hàng tại Úc được đánh giá là “hiền tài” khi đi học bằng ngân sách của thành phố và sau đó được những học bổng danh giá khác để tiến xa hơn trên con đường học vấn. Tuy vậy, khi phân công cô nhận công tác tại một sở thì cô đã bị từ chối vì vị trí đó không nhận nữ. Thay vào đó, người đảm nhận vị trí này là một lao động nam thua cô về bằng cấp, học vị…

Không chỉ trong công việc, ở các gia đình trẻ, những cặp vợ chồng trí thức có lối sống hiện đại cũng khó dứt được tư tưởng… phụ nữ phải thua đàn ông một cái đầu. Chị là phó giám đốc chi nhánh của một tổng công ty, anh là kỹ sư xây dựng. Trước đây, anh luôn làm công việc nội trợ để vợ đủ sức khỏe và thời gian dành cho công việc xã hội. Tuy nhiên, khi vợ được cử đi Mỹ công tác 2 năm, thay vì tiếp tục đảm nhiệm việc nhà để vợ có cơ hội thăng tiến, anh lại tỏ ra rất ưu tư. Thấy chồng không nói lời nào về việc đồng ý để vợ đi xa hay không, chị đã khước từ cơ hội một lần, hai lần và cuối cùng đành chọn giải pháp không đi đâu cả để gia đình được yên ấm như cũ.

Quan niệm sống ngày càng cởi mở, cơ hội để người phụ nữ thể hiện năng lực ngày càng rõ ràng, thì vấn đề bình đẳng giới cũng được đặt ra gay gắt hơn. Trong quá trình giành quyền bình đẳng cho nữ giới, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể. Theo chỉ số bất bình đẳng giới (GII - Gender Inequality Index), Việt Nam xếp thứ 48 trên thế giới. Báo cáo Phát triển con người 2011 do Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) công bố cho biết, xu hướng GII của Việt Nam liên tục giảm từ năm 1995-2011. Cụ thể, chỉ số GII năm 1995 là 0,37, đến 2011 là 0,3. Điều này cho thấy, vấn đề phân biệt đối xử nam - nữ ngày càng được rút ngắn (thứ hạng càng gần 0 càng thể hiện sự bình đẳng cao). So với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp thứ 3 (sau Singapore và Malaysia) về GII.   

Những con số “đẹp đẽ” đó phần nào cho thấy, công cuộc bình đẳng giới của chúng ta đã được công nhận ở một số mặt nhất định. Nhưng nhìn lại thực tế, người ta vẫn dành từ “trầm luân” để nói về chủ đề này. Như đã đề cập, trong gia đình hay trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nam - nữ vẫn chưa thật sự có chỗ đứng ngang bằng hoặc cơ hội ngang nhau. Ngoài lý do xuất phát từ tư tưởng cũ kỹ, 2 yếu tố cơ bản khiến nhiều người vẫn mặc nhiên vi phạm vấn đề bình đẳng giới. Thứ nhất, Việt Nam đã ban hành Luật Bình đẳng giới nhưng lại thiếu các chế tài xử lý. Nghĩa là, luật hướng dẫn anh cần làm gì để bảo đảm quyền lợi bình đẳng cho người phụ nữ, nhưng nếu anh không làm cũng… chẳng sao! Thứ hai, trong thi đua khen thưởng ở các nơi có phụ nữ công tác còn thể hiện sự phân biệt nam - nữ và điều này vẫn tồn tại bao lâu nay. Chẳng hạn, nữ lao động nếu nghỉ thai sản thì năm đó không được xếp các thứ hạng cao về thi đua. Thực tế, nếu lao động nữ nghỉ sinh theo đúng chế độ và có số con theo quy định của Nhà nước, thì suy cho cùng đó cũng là phần việc quan trọng mà họ đã hoàn thành.

Có lẽ, khi nào chỉ số bình đẳng giới được phản ánh chi tiết hơn, cụ thể hơn trong từng ngôi nhà hay từng cơ quan, đơn vị, lúc đó những công bố về bước tiến của Việt Nam trong lĩnh vực này sẽ ấn tượng hơn nhiều chỉ số GII rất chung chung mà thế giới đã công nhận.                                                    

TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.