.

Bớt cảm tính

Công chức tốt hay kém qua “bộ lọc” của phương pháp đánh giá mới đều bộc lộ một cách khách quan, rõ ràng. Cảm tính trong đánh giá công chức không chi phối được “phương tiện” mới có thể đong, đo, đếm khối lượng và hiệu quả làm việc của công chức. Đó là kết quả rõ nhất sau 3 tháng Đà Nẵng thí điểm đổi mới đánh giá kết quả việc làm đối với hơn 600 công chức của thành phố.

Một lãnh đạo Sở Nội vụ ví von: Đánh giá kết quả làm việc của công chức theo quy định hiện hành (Quyết định 7786/QĐ-UBND ngày 8-11-2006) thì giống như đem một bộ tiêu chí dùng chung cho cả ông tướng lẫn anh binh nhì. Trong khi đó, chức trách, nhiệm vụ cụ thể của mỗi người lại khác nhau. Vì thế, đánh giá kết quả làm việc thường chung chung, không sát thực tế, nặng về cảm tính. Người công chức được việc nhưng cá tính không hợp với thủ trưởng thì cũng thiệt thòi so với người có năng lực công tác yếu hơn nhưng được cho là "khéo..." (!?).

Theo phương án thí điểm, đối tượng đánh giá là công chức hành chính được phân thành 4 nhóm vị trí, chức danh: công chức tham mưu, tổng hợp (riêng trong thời gian thí điểm, cấp phó được đánh giá như công chức tham mưu, tổng hợp); công chức hỗ trợ, phục vụ; trưởng phòng/bộ phận (tương đương); giám đốc, phó giám đốc và tương đương (riêng Giám đốc Sở, Chủ tịch UBND quận và tương đương chưa thực hiện đánh giá kết quả công việc trong thời gian thí điểm).

Việc phân chia nhóm đối tượng công chức theo vị trí, chức danh giúp đánh giá kết quả công việc phù hợp với tính chất công việc của từng loại đối tượng. Mỗi nhóm đối tượng đều có tiêu chí, thang điểm đánh giá cụ thể. Mô hình thí điểm yêu cầu phải mô tả được công việc, lượng hóa khối lượng công việc, lượng thời gian hoàn thành công việc hằng tháng để cho điểm theo mức độ hoàn thành, thời gian hoàn thành, chất lượng, hiệu quả. Việc cho điểm đánh giá thực hiện trên một phần mềm máy tính.

Mô hình đổi mới đánh giá kết quả làm việc của công chức với kết quả ban đầu đã khắc phục phần lớn “yếu điểm” cảm tính so với quy định đánh giá công chức hiện hành. Trước hết, mô hình thí điểm phân loại được 4 nhóm đối tượng công chức có chức trách, nhiệm vụ tương đương nhau nhằm dễ so sánh khi chấm điểm đánh giá các công chức cùng nhóm.

Thứ hai, ứng với mỗi nhóm đối tượng có một bộ tiêu chí, thang điểm đánh giá cụ thể, phù hợp. Qua điểm số cụ thể sẽ cho thấy sự khác biệt giữa hai công chức thực hiện cùng một nhiệm vụ hoặc tương đương về thời gian thực hiện, năng suất, hiệu quả... Điểm số đánh giá sẽ cho thấy rất rõ ràng người được việc và người không được việc. Những công chức được xếp loại xuất sắc, loại tốt phải là những người đạt điểm cao, điểm thưởng ở những công việc phức tạp, năng suất làm việc cao hoặc có thành tích đột xuất nổi trội so với công chức khác.

Thứ ba là trong quy trình đánh giá có điểm mới là công chức thừa hành nhiệm vụ được phép đánh giá năng lực lãnh đạo điều hành của cấp trên thông qua phần mềm máy tính chấm điểm (tương tự như bỏ phiếu kín). Đây là điểm rất mới của mô hình thí điểm tạo ra đánh giá hai chiều mà quy định hiện hành chưa có. Chứng minh tính khách quan của mô hình mới là con số công chức xếp loại tốt trong tháng 9 và 10-2012 đạt 59,65% so với đánh giá theo quy định hiện hành, công chức loại tốt đạt 88,1%. Tỷ lệ công chức được đánh giá xếp loại trung bình cao hơn phương pháp đánh giá hiện hành, đặc biệt cũng cho ra được con số 0,13% công chức yếu kém, trong khi cách đang áp dụng không chỉ ra được công chức nào yếu kém.

Một ưu điểm khác là mô hình thí điểm đổi mới đánh giá kết quả việc làm của công chức được thực hiện hằng tháng với sự hỗ trợ của phần mềm máy tính. Do đó, việc đánh giá kết quả làm việc của công chức vào cuối năm cũng đơn giản là thực hiện phép cộng điểm của 12 tháng.

Mô hình thí điểm đổi mới đánh giá kết quả làm việc của công chức vẫn phải tiếp tục hoàn thiện nhằm tiến gần hơn mục tiêu đánh giá công chức chính xác, khách quan, công bằng. Chủ trương thí điểm này của Đà Nẵng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Bộ Nội vụ với mong muốn Đà Nẵng sẽ tiên phong thí điểm cho cả nước. Qua mô hình thí điểm này, Chính phủ rút kinh nghiệm và xây dựng hệ thống vị trí việc làm, cơ cấu công chức; đổi mới nội dung, phương thức đánh giá công chức trên cơ sở vị trí việc làm cũng như kết quả công việc theo tinh thần Nghị quyết 30c/NQ-CP về Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020.

SƠN TRUNG

;
.
.
.
.
.