Từ hôm nay (24-12), quy định về giảm lãi suất điều hành; lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND của các tổ chức, cá nhân tại các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế... theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 10%/năm xuống 9%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 8%/năm xuống 7%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 11%/năm xuống 10%/năm. Đặc biệt, thông tin mà thị trường và các doanh nghiệp mong chờ nhất chính là quyết định điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay đối với nền kinh tế. Cụ thể, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng giảm từ 9%/năm xuống 8%/năm. Riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô được cơ quan điều hành ấn định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng là 8,5%/năm...
Ngoài ra, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế cũng sẽ giảm. Trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm từ 13%/năm xuống 12%/năm, bổ sung thêm nhu cầu vốn phục vụ sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô ấn định lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND tối đa là 13%/năm.
Đây được xem là bước đi cần thiết của NHNN, nhằm hỗ trợ tốt hơn nữa cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hoạt động sản xuất-kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, sức mua của thị trường vẫn ở mức thấp, hàng tồn kho cao và khả năng hấp thụ vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp còn hạn chế. Vì vậy, việc thực hiện điều chỉnh các mức lãi suất được đông đảo cộng đồng doanh nghiệp phấn khởi chào đón.
Thực tế, việc điều chỉnh giảm lãi suất lần này của NHNN phù hợp với chủ trương và định hướng của Chính phủ. Từ đầu năm 2012 đến nay, NHNN đã tích cực triển khai các giải pháp tiền tệ, tín dụng ngân hàng theo mục tiêu kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất-kinh doanh nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Kết quả cho thấy, cùng với các giải pháp điều hành đồng bộ của Chính phủ và các bộ, ngành trong năm 2012, chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đã góp phần kiềm chế lạm phát ở mức thấp (chỉ số giá tiêu dùng tháng 11-2012 tăng 0,47% so với tháng 10-2012 và tăng 6,52% so với cuối năm 2011, dự kiến cả năm 2012 khoảng 7%); thanh khoản của hệ thống ngân hàng cải thiện, thị trường tiền tệ ổn định, lãi suất thị trường liên ngân hàng diễn biến theo xu hướng giảm, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng cao...
Vì vậy, sau một thời gian chuẩn bị, đến nay NHNN đã chính thức có các quyết định về điều chỉnh giảm lãi suất để doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận nguồn vốn giá rẻ. Động thái này một lần nữa cho thấy, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp luôn là mục tiêu ưu tiên của Chính phủ. Đồng thời, đây cũng là bước đi nhằm tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường khu vực và thế giới. Theo tính toán, lãi suất của Việt Nam đang cao hơn từ 2-3 lần so với các nước trong khu vực. Do đó, nếu các yếu tố khác không đổi thì giá thành sản phẩm của Việt Nam đang cao hơn 2,8% so với Singapore; 2,6% so với Trung Quốc; 2,51% so với Thái Lan và 2% so với Ấn Độ...
Mặt khác, đã đến lúc các ngân hàng cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Bởi, trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp điêu đứng thì ngân hàng vẫn lãi hàng ngàn tỷ đồng. Theo số liệu mới cho thấy, tính đến hết tháng 11-2012 có đến 46.400 doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động và con số này không ngừng tăng lên, dự kiến cả năm 2012 sẽ có khoảng 55.000 doanh nghiệp. Trong khi đó, Vietcombank cho biết, đến hết quý III-2012 đạt lợi nhuận trước thuế hơn 4.394 tỷ đồng và cả năm sẽ đạt 5.700 tỷ đồng. VietinBank cũng có lợi nhuận trước thuế tính đến hết tháng 9-2012 là 5.959 tỷ đồng. Eximbank cũng có lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.437 tỷ đồng....
PHƯƠNG UYÊN