Hơn 2 tuần nay trên các tuyến đường của thành phố Đà Nẵng bỗng “mọc” vô số đèn tín hiệu giao thông (THGT) tại các nút giao thông quan trọng. Lúc đầu người đi đường ngạc nhiên trước mật độ dày đặc của các cụm đèn THGT, và ngay sau đó là lúng túng và cảm thấy bất tiện khi cứ phải liên tục đạp phanh để dừng xe tại các nút giao thông.
Không lúng túng và cảm thấy bất tiện sao được khi có những cụm đèn THGT chỉ cách nhau vài chục mét. Chẳng hạn, trên trục đường Nguyễn Văn Linh với chiều dài chưa đến 2km đã “gánh” đến 5 cụm đèn tín hiệu, hoặc đường Trần Phú cứ khoảng 100m lại có một cụm đèn tín hiệu. Đường Lê Duẩn với 2 ngã tư Lê Duẩn - Lê Lợi và Lê Duẩn - Nguyễn Chí Thanh khoảng cách vừa đúng 50m lại có 2 cụm đèn tín hiệu. Sự có mặt quá dày đặc này của các cụm đèn vô hình trung khiến nhiều lúc giao thông trở nên... rối rắm và ùn tắc. Bởi lẽ, nhiều khi từ đèn đỏ chuyển qua đèn xanh thì thời gian chỉ đủ cho những chiếc xe ở gần cụm đèn tín hiệu đi tiếp. Thực tế này càng gây khó khăn hơn cho người tham gia giao thông, khi những cái đồng hồ đếm ngược thời gian tại các cụm đèn tín hiệu trước đây đã bị tháo dỡ. Vì vậy, tâm lý chung khi đi trên đường phố hiện nay là thấp thỏm... nhìn đèn THGT (!).
Không thể phủ nhận rằng, để có thể triển khai dự án đèn THGT, các cơ quan chức năng, nhất là Sở Giao thông vận tải đã nỗ lực rất nhiều để dự án triển khai đúng tiến độ và đưa vào vận hành thử nghiệm trong tháng 12, đúng cam kết với UBND thành phố. Một khối lượng công việc rất lớn đã được triển khai như lắp đặt gần 40km hệ thống đường dẫn ngầm dưới đất, dựng thêm 42 cụm đèn tín hiệu mới và nâng cấp 22 cụm đèn tín hiệu cũ đã có, cũng như lắp đặt 36 camera quan sát tại các nút giao thông. Đặc biệt, đội ngũ kỹ thuật viên phải nỗ lực hết mình để tiếp nhận sự chuyển giao kỹ thuật vận hành trung tâm điều hành đèn THGT từ các chuyên gia của Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ, khi chưa có sự hợp lý để việc vận hành đèn THGT lẽ ra sẽ giúp giải bài toán chống ùn tắc giao thông, chứ không phải là tác nhân gây ùn tắc giao thông. Để có hệ thống đèn THGT phát huy tác dụng thì đòi hỏi sự nỗ lực lớn. Nói như Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh thì “muốn việc gì có hiệu quả thì phải mím môi, mím lợi mà làm, chứ không thể chơi chơi là được”. Ở đây, cái “mím môi, mím lợi” đó không phải đến hôm nay khi việc xây lắp đã hoàn thành và đi vào sử dụng thì mới lo điều chỉnh thời lượng đèn chuyển màu phù hợp, mà từ trước đó phải thực hiện khảo sát các thông số về lưu lượng phương tiện qua nút giao thông trên từng tuyến đường, ở nhiều thời điểm trong ngày… thì mới có kết quả chính xác.
Đà Nẵng là một trong những địa phương có tỷ lệ người dân đội mũ bảo hiểm khi tham gia lưu thông cao nhất nước; việc tổ chức giao thông một chiều, phân làn đường... đều được người dân ủng hộ và thực hiện tốt. Vì vậy, hiện tượng những ngày qua tại các nút có đèn tín hiệu giao thông, khá nhiều người dân vượt đèn đỏ là một “tín hiệu” mà ngành giao thông cần xem xét để có sự điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu một cách khoa học và hiệu quả nhất.
THANH THU