.

Hội chợ hay... xả hàng?

Hội chợ hàng Việt - Đà Nẵng 2012 từ ngày 14 đến 18-12 tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Đà Nẵng thu hút lượng khách khá đông. Tuy nhiên, cả người mua lẫn người bán đều lắc đầu vì không ai thỏa mãn mục đích: người bán thì bán được hàng, còn người mua thì mua được hàng.

Dạo một vòng khu vực các gian hàng ngoài trời chủ yếu là hàng may mặc và gia dụng, có nhiều điều khiến người tiêu dùng nghi ngờ về  giá cả và chất lượng của hàng Việt. Những bộ đồ vest của một công ty có dán tem hàng Việt Nam chất lượng cao, niêm yết giá 990.000 đồng nhưng khách hàng trả giá nào cũng mua được nếu từ 500.000 đồng trở lên. Người bán hàng than phiền rằng, hàng năm nay ế ẩm quá nên lỗ cũng bán. Mấy người khách trầm trồ giá quá rẻ, nhưng kiểm tra kỹ mới thấy hàng bị lỗi, hoặc chỉ có size ngoại cỡ. Đến các gian hàng áo sơ-mi, 3 cái chỉ 100.000 đồng. Nhiều người lao động mừng thầm mua áo về mặc Tết, nhưng có vài người khách đứng bên ngoài xì xầm rằng, áo đó về chỉ mặc 2 lần thì làm giẻ lau.

Phiên chợ hàng Việt này đã đánh đúng vào tâm lý thích mua hàng rẻ của người tiêu dùng. Hầu hết áo quần hàng Việt được bày bán chỉ từ 100.000 - 150.000 đồng nhưng khách chỉ đi qua hoặc xem mà không thể mua những mặt hàng giảm giá cực sốc này. Có lẽ tại Hội chợ hàng Việt năm nay, lần đầu tiên khách hàng được trả giá và mua nhiều mặt hàng giảm giá đến 50%. Tuy nhiên, cách bán hàng và chất lượng sản phẩm của khá nhiều gian hàng ngoài trời không khác gì dịp xả hàng tồn kho cuối năm.

Những gian hàng bên trong tòa nhà khu triển lãm được tổ chức bài bản hơn nhưng rất ít sản phẩm mới và ít doanh nghiệp có thương hiệu cũng như thật sự muốn tôn vinh hàng Việt trong các lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, nhà bán lẻ, viễn thông, thực phẩm chế biến sẵn.

Nhưng bên cạnh đó, có khá nhiều gian hàng giày dép cũng bán hàng theo kiểu nói thách và trả giá như ngoài chợ. Hội chợ có đến 300 gian hàng, có gian hàng lớn, có gian hàng chỉ là một chiếc bàn nhỏ xíu kê trên vỉa hè vì lý do đăng ký trễ không còn chỗ.

Hội chợ hàng Việt như giải pháp quan trọng để hưởng ứng cuộc vận động của Bộ Chính trị “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, qua đó nhằm quảng bá sản phẩm thương hiệu Việt, kích cầu tiêu dùng và giúp doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm mới. Thế nhưng, ngoài vấn đề chất lượng và mẫu mã của nhiều mặt hàng Việt chưa đáp ứng được nhu cầu thì vấn đề giá cả cũng làm người tiêu dùng băn khoăn. Văn hóa và quy định bán hàng theo giá niêm yết vẫn chưa được thực hiện trong hội chợ. Nhiều doanh nghiệp chưa coi trọng đây là cơ hội để quảng bá và giới thiệu sản phẩm, từ đó thể hiện sự thiếu tôn trọng người tiêu dùng, tranh thủ bán những mặt hàng gần như là phể phẩm.

Về mặt quản lý Nhà nước, vấn đề niêm yết giá tại hội chợ cũng cần được xem lại để người tiêu dùng yên tâm với “tiền nào của nấy”.  Nếu Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao hằng năm đã xây dựng, củng cố thương hiệu hàng Việt, thì Hội chợ hàng Việt cũng nên góp phần chung vào việc tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt Nam. Có như vậy mới tạo sự chuyển biến tích cực trong thay đổi nhận thức, tư duy về hàng Việt, không để hàng ngoại nhập lấn át, cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời tạo thành phong trào hưởng ứng dùng hàng Việt trong các tầng lớp nhân dân.

THU PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.