Lâu nay chuyện giá điện luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nói đặc biệt không đơn giản là chuyện giá điện cứ tăng, mặc cho các ngành sản xuất kinh doanh đang gặp rất nhiều khó khăn, mà cả việc cách EVN cơ cấu giá điện mỗi khi tăng giá. Lần tăng giá điện gần đây nhất cách vài ngày cũng không ngoại lệ. Thậm chí, lần này còn “đặc biệt” hơn khi ngày 20-12 thông báo tăng giá điện thì ngày 22-12 thông báo này có hiệu lực (!?).
Mới đây khi EVN tổng kết hoạt động năm 2012, nhiều người dân thở phào khi chính cơ quan này thông báo năm nay lãi hơn 4.000 tỷ đồng, như vậy hy vọng “ông nhà điện” sẽ lơi tay bớt với giá điện. Thế nhưng do năm 2010 và 2011 EVN lỗ tổng cộng 11.000 tỷ đồng và phần lãi của năm 2012 dành ra 3.500 tỷ đồng để bù lỗ, buộc phải tiếp tục tăng giá điện thêm 5% (!?).
EVN nói nhiều về việc “buộc” phải tăng giá điện nhưng tựu trung lại là vì làm ăn thua lỗ nên phải... tăng giá để bù lỗ; hoặc cần vốn để đầu tư cho những dự án mới. Thế nhưng, tại sao EVN lại làm ăn thua lỗ khi đây là đơn vị độc quyền kinh doanh điện, và gần như là muốn “bán” giá bao nhiều thì “thượng đế” cũng phải chấp nhận vì không có sự chọn lựa nào khác.
Xin nói ngay EVN lỗ nặng vì sử dụng một lượng lớn vốn để kinh doanh ngoài ngành như du lịch, viễn thông... Câu chuyện kinh doanh ngoài ngành này cũng từng một thời thu hút sự quan tâm lẫn bức xúc của dư luận vì trong bối cảnh EVN luôn “kêu” thiếu vốn lại dành hàng chục ngàn tỷ đồng đầu tư... ngoài ngành để rồi rơi vào cảnh thua lỗ triền miên… Tình hình nóng đến nỗi lãnh đạo EVN đã lên tiếng biện minh rằng, trên thế giới mô hình các tập đoàn kinh doanh đa lĩnh vực là chuyện bình thường. Tuy nhiên, khi nhiều chuyên gia lên tiếng “nhắc nhở” EVN rằng, đúng là trên thế giới có mô hình này, nhưng EVN cần nhớ khi họ kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, tức là lúc lĩnh vực chính của họ trong trạng thái hoạt động tốt, kinh doanh có lãi. Đằng này EVN đang thiếu vốn để đầu tư cho các dự án lớn của ngành điện lại rút vốn kinh doanh lĩnh vực khác. Đến nước này thì lãnh đạo EVN mới chịu làm thinh. Như vậy, lần tăng giá điện thêm 5% cũng là để… bù lỗ như những lần trước...
Thế nhưng, cần nhớ rằng trong bối cảnh hiện nay việc EVN soạn lại bổn cũ xem ra lợi bất cập hại và khó có thể chấp nhận được. Trong khi đó, khách hàng của EVN suốt cả năm 2012 phải gồng mình đối chọi với bao khó khăn, đến nỗi rất nhiều doanh nghiệp phải giải thể. Và đi kèm theo đó cả chuỗi hệ lụy mang tính dây chuyền là công nhân mất việc, sản xuất kinh doanh thua lỗ, thị trường giảm sút... và dĩ nhiên khách hàng của EVN khó có thể “gánh” nổi giá điện của EVN.
Không biết EVN hiểu câu chuyện này không, hay là đang soạn thảo một kịch bản tăng giá điện tiếp trong năm 2013 sắp đến?
THANH SƠN