.

Liên kết bảo vệ hàng Việt!

Có thời gian khá dài nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước coi việc tìm kiếm thị trường và xuất khẩu hàng hóa như một tiêu chí đánh giá sự thành công. Chính vì quá coi trọng thị trường nước ngoài nên nhiều DN bỏ quên thị trường trong nước. Khi nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, đồng nghĩa với thị trường nước ngoài bị co hẹp lại, nhiều DN mới giật mình là mình đã bỏ “sân nhà” và vội vàng quay về.

Thế nhưng, thương trường không đơn giản, khi quay lại “sân nhà”, nhiều DN mướt mồ hôi vẫn không tiếp cận được thị trường, bởi thị trường trong nước đã bị các DN nước ngoài chiếm lĩnh phần lớn thị phần. Rất may mắn là Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ra đời, với sự nỗ lực hết mình, dần dần DN trong nước đã lấy lại được thị trường “sân nhà”. Thông tin từ các DN trên cả nước cho biết, doanh số bán hàng Việt Nam đã tăng từ 10-50% trong năm 2012 và hứa hẹn từ nay đến Tết Âm lịch sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Tại thị trường Đà Nẵng cũng vậy, hàng Việt Nam đang chiếm thế thượng phong, khi tại hệ thống các siêu thị như Co.opMart, BigC, Metro..., tỷ lệ hàng Việt đã lên đến trên 90%. Một tín hiệu rất vui trong bối cảnh hiện nay!

Tuy nhiên, hơn lúc nào hết, các DN cần tỉnh táo nhìn lại mình, đó là hàng Việt dù đã lấy lại được thị trường trên “sân nhà” nhưng việc có bén rễ vững chắc hay chưa vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Đặc biệt, các DN đang đứng trước thử thách rất khó khăn, đó là thời gian đếm lùi về việc mở cửa tự do thị trường ASEAN chỉ còn rất ít (năm 2015). Trong khi đó, đang xuất hiện tình trạng các DN trong nước “đá” nhau theo kiểu nói xấu đối thủ, hoặc làm nhái hàng thay vì liên kết, hợp tác để cùng giữ vững thị trường trong nước. Câu chuyện các DN May Việt Tiến, Nhựa Bình Minh, Dây điện Bông Sen... vô cùng vất vả chống hàng giả từ các DN trong nước không những khiến “đôi bên cùng thiệt”, làm mất niềm tin của khách hàng, mà còn dẫn tới một hệ quả không tốt là “đơn thương độc mã” khi phát triển thị trường về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Chính kiểu làm ăn riêng lẻ và thiếu liên kết này nên hàng Việt dù chất lượng tốt, giá cả phải chăng nhưng rất khó tạo được ấn tượng mạnh cho người tiêu dùng. Nhiều DN phát triển thị trường về nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã nhận thấy chỉ có mình làm thì không thể tạo nên “chợ Việt”, nhưng liên kết, hợp tác thì quả thật quá khó. Vì vậy, phải liên kết bảo vệ và phát triển hàng Việt!

THANH SƠN

;
.
.
.
.
.