.

Người tiêu dùng vẫn hoài nghi

Thông tin không phát hiện chất tạo nạc trong thịt heo đăng trên các phương tiện truyền thông trong những ngày qua có thể một phần xua tan lo ngại của người tiêu dùng. Song, nhiều người dân vẫn bày tỏ sự hoài nghi và chưa an tâm với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) khi cuối năm 2011, báo chí cả nước đưa tin phát hiện chất tạo nạc trong thịt heo.

Hằng năm, Đà Nẵng tiêu thụ khoảng 60.000 tấn thịt và sản phẩm gia súc, gia cầm, trong đó chăn nuôi tại chỗ chỉ chiếm từ 10 - 15% tổng sản lượng tiêu thụ, còn lại là nhập từ các tỉnh khác và nhập khẩu. Trái ngược với sản lượng tiêu thụ lớn đó, kết quả công tác kiểm dịch thịt và các sản phẩm gia súc, gia cầm quá ít ỏi: Trong năm 2012, đã kiểm tra 49 mẫu thịt và không phát hiện chất tạo nạc; kiểm tra 18 mẫu, không phát hiện có kim loại nặng (chì, cadini); kiểm tra 6 mẫu, không phát hiện chất bảo quản (ethefon); kiểm tra 16 mẫu, không phát hiện dư lượng kháng sinh (oxytetracyline)…

Kết quả công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm trong các sản phẩm nông - lâm - thủy sản cũng thể hiện khá ít ỏi, năm 2012, các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát ô nhiễm sinh học, hóa chất tồn dư trong sản phẩm nông-lâm-thủy sản, phát hiện 4/70 mẫu sản phẩm thủy sản bị nhiễm Salmonella, 4/19 mẫu rau tồn dư Nitrat và 14/25 mẫu rau nhiễm vi sinh vượt giới hạn cho phép, 59/91 mẫu sản phẩm động vật nhiễm vi sinh. Thực tế sản lượng tiêu thụ rau, quả hằng năm trên địa bàn thành phố từ 70.000 - 80.000 tấn, trong đó chỉ sản xuất khoảng 16.000 tấn, còn lại phải nhập từ tỉnh khác. Thế nhưng chỉ lấy 25 mẫu rau xét nghiệm vi sinh và có đến 14 mẫu nhiễm vi sinh vượt giới hạn cho phép.

Vụ ngộ độc do ăn bánh mì được mua tại cơ sở Đồng Tiến (số 75 Phan Đăng Lưu, Đà Nẵng) mới đây cũng khiến người tiêu dùng bất an về vấn đề ATVSTP. Chi cục ATVSTP thành phố xác định 4/5 mẫu xét nghiệm gồm: rau sống, dăm-bông, thịt nguội, pa-tê lấy tại cửa hàng nói trên bị nhiễm Coliforms và E.coli vượt quá giới hạn cho phép từ 2-15 lần.

Từ kết quả trên cho thấy, khi ăn rau, quả và thịt gia súc, gia cầm bị nhiễm vi sinh gồm Salmonnella, S.aureus, Coliforms và E.coli vượt giới hạn cho phép sẽ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của con người. Các loại vi sinh vật như: E.coli, Coliforms, Salmonella chủ yếu có trong ruột già và phân người, động vật, trong xác động vật chết và nước giàu chất hữu cơ (nước bẩn, cống rãnh, nước thải…). Rau, quả và thịt gia súc, gia cầm bị nhiễm các loại vi sinh vật này chứng tỏ bị ô nhiễm từ phân và nước tưới, nước rửa. Còn vi khuẩn S.aureus thường sống trên da và trong mũi người, bị nhiễm S.aureus trong các sản phẩm thức ăn, nước uống do trong quy trình sản xuất không đúng tiêu chuẩn vệ sinh, gây ra ngộ độc thực phẩm.

Người tiêu dùng chưa thể yên tâm với các kết quả xét nghiệm trên ít ỏi mẫu rau, quả và thịt gia súc, gia cầm và vẫn phải sống chung với thực phẩm “bẩn”. Để bảo vệ sức khỏe của mình, họ buộc phải làm người tiêu dùng “thông thái”, chọn mua rau, quả, thịt về rửa sạch, nấu chín kỹ rồi ăn. Nhưng để làm được người tiêu dùng “thông thái” quả thật không dễ!

HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.