.

Nhìn lại quá khứ, hướng đến tương lai

Những ngày này, nhiều hoạt động đã và đang diễn ra trên khắp cả nước nói chung cũng như ở thành phố Đà Nẵng nói riêng nhằm chào mừng 68 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam (22-12-1944 – 22-12-2012). Các cuộc gặp gỡ, thăm hỏi của lãnh đạo các cấp, từ Trung ương đến địa phương với các cán bộ, chiến sĩ ở nhiều đơn vị thuộc lực lượng QĐND Việt Nam minh chứng sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước dành cho người lính, đồng thời tri ân những người đã anh dũng hy sinh trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc cũng như những người đang ngày đêm nắm chắc tay súng để bảo vệ vùng trời, vùng biển và từng tấc đất của Tổ quốc.

Kỷ niệm 68 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam năm nay cũng là dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” và 66 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946 – 19-12-2012). Những trang sử hào hùng của dân tộc trong thời đạn bom, thời có những “cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ” bởi “khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”, một lần nữa được tái hiện qua các sự kiện, các cuộc triển lãm… để những người đang sống hôm nay nhìn lại, trân trọng quá khứ và hiểu sâu sắc hơn về giá trị của hòa bình, độc lập, tự do. Từ quá khứ đến hiện tại, từ lúc Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập vào ngày 22-12-1944 tại tỉnh Cao Bằng cho đến lực lượng QĐND Việt Nam tinh nhuệ, chính quy, hiện đại, đa dạng về binh chủng như ngày nay là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, làm nên phẩm chất truyền thống “trung với Đảng, hiếu với dân”.

Vấn đề đặt ra là cần tiếp tục khơi dậy truyền thống yêu nước nồng nàn trong thế hệ trẻ để thanh niên ngày nay không thờ ơ với quá khứ của cha ông. Trong công tác giáo dục này, lực lượng quân đội nói chung và cựu chiến binh (CCB) nói riêng đóng vai trò rất quan trọng. Phát biểu tại Đại hội Hội CCB Việt Nam ngày 18-12 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kêu gọi những người lính trở về từ chiến tranh tiếp tục tích cực tham gia giáo dục lòng yêu nước, yêu CNXH và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, xây dựng lý tưởng, hoài bão và lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, đồng thời luôn thể hiện vai trò gương mẫu của Bộ đội Cụ Hồ đối với tuổi trẻ. Trên khắp cả nước, giữa cuộc sống đời thường lắm tất bật và lo toan, các CCB - ngay cả những người không còn lành lặn bởi họ đã để lại một phần cơ thể của mình trong cuộc chiến tranh - vẫn có nhiều hoạt động thiết thực đóng góp cho cộng đồng. Hay các đơn vị quân đội hiện tham gia dạy chữ cho trẻ em ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hoặc các đội ngũ bác sĩ quân y tổ chức khám bệnh miễn phí cho dân nghèo. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, những người mang màu áo của QĐND Việt Nam vẫn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ “đi dân nhớ, ở dân thương”.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật, tác giả của bài thơ nổi tiếng “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, lúc sinh thời từng chia sẻ về những năm tháng không quên của thế hệ thanh niên xếp bút nghiên lên đường ra trận. Ông nói rằng, để có được sự khởi động mới, cuộc “lên đường mới” trong thời đại ngày nay thì cần phải biến quá khứ thành năng lượng. Quá khứ ấy là quá khứ anh hùng của hai cuộc kháng chiến. Và dù thời gian trôi qua bao nhiêu năm, thậm chí là nhiều thế kỷ sau, thì các giá trị mà Việt Nam đã tạo dựng vẫn nguyên vẹn… Tâm sự này cũng là niềm mong mỏi của những người đi trước đối với lớp trẻ khi chính thế hệ trẻ sẽ gánh trên vai trọng trách xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhưng để thực hiện được trọng trách ấy, hướng đến tương lai bền vững thì không thể lãng quên quá khứ, mà phải đối xử với quá khứ thời hoa lửa bằng sự trân trọng.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.