.

Những tấm lòng không dễ có

Báo Đà Nẵng số ra ngày 30-11-2012 đăng bài viết: “Cải tạo, nâng cấp đường Tô Hiệu và Nam Cao”, đề cập việc nhờ người dân đồng thuận thực hiện công tác đền bù giải tỏa theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” (người dân hiến đất, Nhà nước chỉ đền bù, hỗ trợ thiệt hại về nhà cửa, vật kiến trúc), nên chi phí đền bù giải tỏa cho cả hai công trình nói trên chỉ tốn 4,2 tỷ đồng. Đây quả là những tấm lòng không dễ có trong lúc ngân sách Nhà nước đang gặp nhiều khó khăn.

Đường Tô Hiệu và đường Nam Cao (quận Liên Chiểu) là loại đường đô thị nhưng bản chất là đường dân sinh nên việc kêu gọi người dân bỏ tiền để đầu tư nâng cấp đường thật không dễ. Trong khi đó, kinh phí đền bù giải tỏa thường chiếm tỷ lệ lớn trong tổng kinh phí đầu tư nâng cấp đường.

Tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, đối với các dự án đang được đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước nhưng không bố trí được vốn kế hoạch năm 2012, nếu không thể chuyển đổi được sang hình thức đầu tư khác hoặc không huy động được nguồn vốn hợp pháp khác thì phải tạm dừng thực hiện trong năm 2012. Việc vận động người dân hiến đất, Nhà nước chỉ bồi thường và hỗ trợ thiệt hại về nhà cửa, vật kiến trúc là cách huy động nguồn vốn đóng góp để công trình có điều kiện khởi công nâng cấp sớm trong năm 2012 và 2013.

Trước đây, trong hai năm 2009 và 2010, 239 hộ dân phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) đã hiến đất với giá trị lên đến hơn 10 tỷ đồng để mở rộng, nâng cấp đường Phạm Như Xương. Trong hai năm 2010 và 2011, 238 hộ dân ở phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) cũng hiến đất với giá trị hơn 5 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp đường Lê Trọng Tấn. Tính riêng đường Tôn Đản đang được triển khai thi công, phần nhân dân đóng góp thông qua việc 722 hộ dân phường Hòa An và Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) hiến đất có giá trị lên đến 32 tỷ đồng, trong đó phần giá trị đất hiến là 30,5 tỷ đồng và giá trị vật kiến trúc, cây cối, hoa màu bị ảnh hưởng mà người dân không nhận đền bù cũng lên đến 1,5 tỷ đồng. Còn về phần Nhà nước, chỉ đền bù thiệt hại về nhà cửa bị ảnh hưởng có giá trị 10,918 tỷ đồng và hỗ trợ chính sách 769,5 triệu đồng, hỗ trợ khác 510 triệu đồng… Sự chung tay, sẻ chia kinh phí giải tỏa, bồi thường thiệt hại về đất đai và vật kiến trúc, cây cối, hoa màu của người dân không nhỏ, đã đỡ gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Ban đầu, đại đa số hộ giải tỏa công trình đường Tô Hiệu và đường Nam Cao (tổng cộng hơn 350 hộ) đều không đồng ý hiến toàn bộ diện tích đất thu hồi, thậm chí nhiều hộ còn phản ứng quyết liệt. Bởi trong thời buổi “tấc đất, tấc vàng”, đa số hộ dân sống hai bên đường Tô Hiệu và Nam Cao đều là hộ nghèo và khá nhiều hộ có diện tích đất, nhà ở không rộng rãi. Cách đây hơn 10 năm, người dân cũng đã hiến đất để mở rộng, nâng cấp thành đường thâm nhập nhựa… Các hộ giải tỏa còn thống nhất kiến nghị thành phố đền bù toàn bộ (thiệt hại về nhà, vật kiến trúc, diện tích đất thu hồi) theo khung giá hiện hành. Mặt khác, diện tích đất thu hồi mặt tiền của nhiều hộ khá lớn, nhiều hộ có diện tích còn lại ít và có hoàn cảnh khó khăn.

Nhưng trải qua thời gian dài liên tục đến từng nhà vận động kiên trì, “mưa dầm thấm lâu” của Đảng ủy, UBND các phường, chi bộ, tổ dân phố và các ban công tác Mặt trận, tỷ lệ hộ dân đồng thuận chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhích cao dần và vượt quá tỷ lệ 80% hộ dân đồng thuận. Thấu hiểu hoàn cảnh, tâm tư của người dân, UBND thành phố cũng ban hành các chính sách về bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư được đánh giá là “nới rộng”, làm người dân phấn khởi, tin tưởng, đồng thuận hiến đất để sớm thoát khỏi cảnh khổ sở bởi “nắng bụi, mưa lầy”. Có đường mới khang trang, sạch đẹp, giá trị đất và việc kinh doanh, buôn bán, các loại dịch vụ khác theo đó cũng tăng lên, góp phần xây dựng thành phố ngày càng văn minh, giàu đẹp.

HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.