“Dưới 100 triệu đồng sẽ không có chuyện thi đỗ công chức”, phát biểu của Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực thật sự gióng hồi chuông báo động về những tiêu cực trong việc thi tuyển công chức ở Hà Nội hiện nay. Thủ đô là vậy, còn những tỉnh, thành phố khác trong cả nước thì sao? Liệu có bao nhiêu công chức thiếu chuẩn nhưng thừa tiền lọt vào hệ thống chính quyền các cấp dưới sự tiếp tay của những người cầm cân nảy mực, chuyên trách công tác thi tuyển công chức?
Trông người mà ngẫm đến ta. Những năm gần đây, Đà Nẵng nổi tiếng cả nước là địa phương duy nhất thi tuyển công khai các chức danh lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan chuyên môn của chính quyền địa phương. Việc thi tuyển công chức bình thường cũng được tiến hành công khai, minh bạch trên cơ sở những tiêu chuẩn quy định của Nhà nước. Đến nay, trên bề nổi, Đà Nẵng chưa có phản ánh nào liên quan đến việc chạy tiền để đậu công chức. Nhưng liệu chính quyền thành phố có thể mạnh dạn khẳng định trước cả nước rằng, Đà Nẵng không có chuyện “đồng tiền đi liền với thi công chức”?
Liên quan đến chuyện thi tuyển công chức, gần đây nhất, tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 5 HĐND thành phố khóa VIII, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh đã yêu cầu Sở Nội vụ năm 2013 phải giám sát việc thi tuyển công chức. Bởi theo ông, “xung quanh câu chuyện thi tuyển công chức, chúng ta đã làm tốt nhưng chưa phải người ta đã tâm phục khẩu phục đâu. Có anh lần quần lần quần lại đậu, có anh không hiểu vì sao học tài thi phận không đậu. Cho nên, chỗ này phải tính toán lại cách giám sát, cách công khai như thế nào. Tổng rà soát lại nhiều cán bộ công tác cả chục năm chưa vô biên chế. Không có hành chính thì biên chế sự nghiệp để người ta ổn định, chứ hợp đồng “chay” thì không biết tương lai đi về đâu”.
Nói như vậy, có nghĩa trong quy trình thi tuyển công chức ở Đà Nẵng vẫn còn điểm chưa ổn. Chưa ổn theo như lời Bí thư Thành ủy là người không thật sự có tài thì đậu, người có tài nhưng lại thi rớt. Vậy, công chức trúng tuyển chưa phải là người đáp ứng tiêu chuẩn về khả năng, năng lực làm việc, còn người thật sự có tài lại bị bỏ sót. Người thi tuyển và cả những người công chức khác nhìn vào chắc chắn sẽ không tâm phục khẩu phục.
Để người dự thi tuyển công chức tâm phục khẩu phục với kết quả thì có lẽ không nằm ngoài những điều cần thực hiện trong quá trình tổ chức thi tuyển công chức như: công khai, minh bạch, công tâm, chính xác, đúng người, đúng việc, đúng chuyên môn… Công khai, minh bạch về tiêu chuẩn đối với người dự thi, về cách thức, thời gian thi tuyển. Trong khi đó, nội dung thi tuyển cũng phải sát với chuyên môn của người dự tuyển và với thực tế công việc. Để làm sao, người dự tuyển biết được nội dung cần chuẩn bị, biết được cái đích mình nhắm đến, chứ không lại dễ rơi vào tình trạng học một đàng thi một nẻo, học tài thi phận.
Thi tuyển công khai để lựa chọn người tài trên cơ sở năng lực thật sự, không phân biệt giới tính, ngoại hình, không cục bộ địa phương. Đó mới đúng với tinh thần và chủ trương đặt ra đối với công tác thi tuyển công chức. Cả quy trình tuyển chọn, tổ chức thi, chấm thi… đều cần có sự giám sát chặt chẽ, để không xảy ra tình trạng như ở Hà Nội mà ông Trần Trọng Dực đưa ra là “giáo viên đánh dấu bài của thí sinh để chấm bài”.
Thực tế trên cho thấy, thi tuyển công chức dù là việc lâu nay vẫn làm và Đà Nẵng làm khá tốt nhưng không vì thế mà xem như câu chuyện “đến hẹn lại lên”, thiếu đổi mới, thiếu giám sát. Bởi hậu thi tuyển là cả thời gian dài thử thách năng lực làm việc của mỗi người. Nếu chọn phải người “lần quần lần quần” như Bí thư Thành ủy nói thì hiệu quả công việc của bộ máy chính quyền sẽ hạn chế, trì trệ. Còn để lọt người tài thì hệ thống chính trị mất đi nguồn nhân lực có chất lượng và quan trọng hơn là làm giảm sút lòng tin của lớp trẻ - những công chức sẽ góp công xây dựng thành phố trong tương lai.
HÀ AN