.

Thu phí ATM: Chuyện nhỏ hay lớn?

Trong giai đoạn đầu phát triển, hầu hết các ngân hàng đều áp dụng chính sách khuyến mãi rộng rãi như miễn giảm phí phát hành, phí thường niên, phí rút tiền mặt… nhằm thu hút người sử dụng thẻ. Khi Nhà nước ban hành quy định thanh toán lương cho cán bộ, công chức, người lao động trong các doanh nghiệp qua thẻ ATM dẫn đến số lượng người dùng thẻ gia tăng đột biến, khối lượng giao dịch phát sinh rất lớn, thường xuyên dẫn đến hiện tượng quá tải, lỗi kỹ thuật, nhất là vào kỳ lĩnh lương, lễ, Tết…

Thực tế, đầu tư ban đầu để mua sắm thiết bị ATM không quá đắt. Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ, phần mềm, chi phí thường xuyên để bảo đảm vận hành liên tục hệ thống (24/7) trong điều kiện hoàn hảo nhằm phục vụ tốt khách hàng đòi hỏi khoản ngân sách rất lớn. Theo ước tính sơ bộ, để ứng dụng một hệ thống Core Banking ở trình độ trung bình phải đầu tư không dưới 15 triệu USD, chưa kể các chi phí nâng cấp, bảo hành, bảo trì, nộp tiền mặt, an ninh bảo vệ… với chi phí bình quân một máy ATM không dưới 20 triệu đồng/tháng. Vì vậy, chỉ có những ngân hàng mạnh về tài chính
và công nghệ mới đủ sức trang bị hệ thống ATM riêng, còn các ngân hàng khác phải dựa vào tài nguyên dùng chung thông qua công ty chuyển mạch thẻ (BankNet/Smartlink/VNBC) để phục vụ khách hàng của mình. Xét trên bình diện cả nước, hạ tầng kỹ thuật thanh toán của từng ngân hàng chính là cơ sở hình thành nên hạ tầng thanh toán quốc gia, có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo đảm chu chuyển tiền tệ thông suốt trong nền kinh tế và kết nối với mạng lưới thanh toán toàn cầu.

Lâu nay, cách tiếp cận về phí ATM chưa được quan niệm một cách đúng đắn, theo hướng vẫn xem dịch vụ này là mặc nhiên miễn phí (!?). Nếu vậy, khả năng tái đầu tư công nghệ, duy trì và nâng cấp chất lượng phục vụ về lâu dài sẽ gặp nhiều khó khăn. Điều quan trọng hơn, chính sách thu phí chưa gắn chặt với chủ trương thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần xây dựng văn minh thanh toán thông qua đồng bộ hóa các biện pháp: tuyên truyền giáo dục, hành chính, kinh tế nhằm điều chỉnh hành vi tiêu dùng theo xu thế thông minh, cân bằng hiệu quả giữa lợi ích cá nhân và xã hội. Đến nay người dùng thẻ ở Việt Nam gần như chưa thoát khỏi việc xem thẻ ATM chỉ là công cụ rút tiền mặt. Tâm lý đòi hỏi miễn phí còn khá nặng nề cộng với thực trạng sử dụng tiền mặt chiếm tỷ trọng quá lớn đã và đang gây ra nhiều hậu quả. Trong khi đó, với năng lực công nghệ hiện nay, hàng loạt dịch vụ gia tăng được tích hợp trên thẻ ATM hoàn toàn có khả năng thay thế tiền mặt lại không được chú ý phát huy một cách đầy đủ. Mức phí do Ngân hàng Nhà nước đề xuất có thể rất nhỏ, chỉ từ 1.000 - 3.000 đồng cho mỗi giao dịch rút tiền mặt. Tuy nhiên, đằng sau đó là câu chuyện rất lớn về hiệu quả quản lý Nhà nước về tiền tệ - thanh toán trong toàn bộ nền kinh tế. Từ trước đến nay, mọi người đã quá quen với việc sử dụng dịch vụ miễn phí, quen với sử dụng tiền mặt, nay chuyển sang thu phí tất yếu dễ gây ra nhiều phản ứng.

Để phù hợp với hoàn cảnh thực tế, hình thành thói quen thanh toán chuyển khoản, cần thiết phải quy định mức phí ATM hợp lý trên những giao dịch tiền mặt vượt hạn mức quy định. Chẳng hạn, người dùng thẻ chỉ được miễn phí trong phạm vi rút tiền mặt tối đa 5 triệu đồng/tháng, trên mức đó phải chịu phí với mức phí buộc người dùng thẻ phải có cân nhắc nên hay không nên sử dụng tiền mặt quá nhiều. Đối với phí rút tiền ngoại mạng, không nên thu từ khách hàng mà phải do ngân hàng phát hành thẻ chịu trách nhiệm thanh toán cho công ty chuyển mạch thẻ như là chi phí thuê tài nguyên dùng chung để phục vụ khách hàng của mình. Ngân hàng thương mại cần mở rộng mạng lưới thanh toán POS, khai thác tối đa hạ tầng công nghệ dùng chung, tránh hiện tượng tranh nhau đặt nhiều máy tại một điểm chấp nhận thẻ, gây tốn kém, lãng phí. Có chính sách khuyến mãi, giảm miễn thuế VAT hợp lý nhằm khuyến khích người dân mạnh dạn dùng thẻ để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ…

Để góp phần định hướng chính sách thu phí và sử dụng phí có hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước cần ban hành quy định yêu cầu các ngân hàng thương mại hình thành quỹ đầu tư phát triển công nghệ trích từ nguồn thu phí dịch vụ nhằm tăng cường năng lực tài chính, hỗ trợ quá trình nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật thanh toán, bảo đảm chất lượng dịch vụ theo chuẩn mực cạnh tranh quốc tế, mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng.          

TÂM DÂN

;
.
.
.
.
.