.

Triển vọng hợp tác Biển Đông

Hội thảo quốc gia với chủ đề “Hợp tác Biển Đông - Lịch sử và triển vọng” do Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) và Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức trong 2 ngày 12 và 13-12 tại Đà Nẵng là sự kiện khoa học lớn, mang tầm quốc gia, quốc tế. Các tham luận cũng như các ý kiến phát biểu tại hội thảo là những căn cứ xác đáng khẳng định Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.

Biển Đông vốn là vùng môi trường tự nhiên và chính trị yên bình; là nơi khai thác tiềm năng biển phục vụ cuộc sống một cách hiền hòa của nhiều cư dân Đông Nam Á và một phần Đông Á; là đường hàng hải nhộn nhịp và hoàn toàn tự do của các quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực và quốc tế.

Nhiều ngư dân trên lãnh thổ Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và kể cả một phần Trung Quốc ngày nay tuy gắn bó cuộc sống với Biển Đông ở những thời điểm sớm, muộn khác nhau, nhưng cho đến trước thế kỷ XX, tuyệt nhiên giữa họ không hề có tư tưởng tranh giành, loại bỏ người khác để độc chiếm ngư trường. Ngay cả việc thực hiện chiếm hữu về mặt Nhà nước ở một số đảo và quần đảo trên Biển Đông, điển hình là Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ XVII, cũng diễn ra trong hòa bình, không gặp bất kỳ sự tranh chấp nào của các quốc gia khác, không gây ảnh hưởng gì đến việc tự do hàng hải quốc tế.

Mọi chuyện chỉ thay đổi kể từ đầu thế kỷ XX, khi Nhật Bản trở thành cường quốc châu Á và mở đầu tham vọng ở Biển Đông bằng hành động chiếm cứ quần đảo Đông Sa (Pratas) cũng như đưa ra khẩu hiệu “Nam tiến thủy sản” vào năm 1907; còn Trung Quốc thì “bị thức tỉnh” bởi người Nhật, cũng hối hả lao vào cuộc giành giật Biển Đông bằng sự đổ bộ khảo sát trái phép ở Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1909 và nuôi dưỡng mưu đồ chiếm cứ quần đảo này.

Biển Đông đã thật sự dậy sóng khi Thế chiến II bùng nổ. Hết Nhật Bản đến Trung Hoa dân quốc, rồi từ 1949 là Đài Loan, Trung Quốc, Philippines, Malaysia liên tục triển khai chiếm đóng một số đảo ở quần đảo Trường Sa và toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Dù vậy, những tranh chấp chủ quyền hay chiếm đóng trái phép của nhiều nước tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở thế kỷ XX chỉ mới dừng lại ở việc vi phạm chủ quyền lãnh thổ của quốc gia khác, chứ chưa diễn ra sự khống chế ngư trường và gây ảnh hưởng đến tự do hàng hải quốc tế ở Biển Đông.

Song, việc Trung Quốc đẩy mạnh tuyên truyền chủ quyền trên Biển Đông bằng tấm bản đồ hình lưỡi bò từ cuối thế kỷ XX, thậm chí mới đây còn đưa bản đồ đó lên trên bìa hộ chiếu cấp cho công dân đã tạo nỗi bất an trên con đường hàng hải quốc tế ở khu vực này. Đặc biệt, Trung Quốc có những hành động gây hấn từ đầu thế kỷ XXI đến nay như: tranh chấp lãnh hải, cấm đoán ngư trường phi pháp, phá hoại và ủng hộ phá hoại các hoạt động thăm dò khai thác tài nguyên của những nước có chủ quyền ở Biển Đông, thậm chí còn lăm le đòi kiểm soát tàu thuyền qua lại…

Giờ đây, hoạt động đánh bắt của ngư dân nhiều nước tại Biển Đông, đặc biệt là ngư dân Việt Nam trên ngư trường quen thuộc lâu đời, luôn bị đe dọa, cấm đoán, bắt bớ, giam cầm, tịch thu tài sản, đòi tiền chuộc… Các hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên của các quốc gia có chủ quyền hợp pháp cùng các đối tác của mình tại Biển Đông không còn yên ổn.

Nghiêm trọng hơn, tự do hàng hải quốc tế cũng đứng trước nguy cơ bị thủ tiêu bởi tư tưởng độc chiếm. Vấn đề Biển Đông đang ngày càng trở nên bất ổn không chỉ đối với các nước liên quan trực tiếp hay gián tiếp, mà còn tạo sự quan ngại có tính chất toàn cầu.

Do đó, cần lắm sự đồng thuận hợp tác cả song phương và đa phương trên Biển Đông, để vừa trả lại sự bình yên nguyên thủy cho vùng biển này trên mọi phương diện, vừa góp phần tạo nên sự phát triển hòa bình, thịnh vượng của cộng đồng các quốc gia liên quan và cả thế giới nói chung.

Hợp tác Biển Đông là khát vọng chính đáng mà nhiều nước trong khu vực và trên thế giới mong muốn. Đó cũng là xu thế chung của thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Không một quốc gia nào có thể đi ngược thời đại. Vì vậy, triển vọng về sự hợp tác để cùng phát triển bền vững ở khu vực Biển Đông chắc chắn sẽ biến thành hiện thực trong tương lai.

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN

;
.
.
.
.
.