Sau hàng loạt sự cố liên quan đến Vinashin và Vinalines, dư luận thất vọng về triển vọng tồn tại và phát triển của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Phương án nghiên cứu lựa chọn một giải pháp khả thi cho vai trò chủ đạo của loại hình doanh nghiệp này đối với nền kinh tế thật sự là bài toán làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách.
Trả lời phỏng vấn mới đây của Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh trong chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” vẫn cho thấy nhiều lúng túng trong chủ trương định hướng và giải pháp nhằm chấn chỉnh hiệu quả hoạt động của khu vực này. Tuy nhiên, thay vì đi tìm lời giải ở những đề án đang được mang ra bàn cãi triền miên, thì nên dành thời gian nghiên cứu kỹ một số mô hình DNNN đã được cổ phần hóa, đã và đang phát triển có hiệu quả, bền vững. Trường hợp của Vinamilk là một ví dụ điển hình.
Tiền thân của Vinamilk là Công ty sữa - cà-phê miền Nam trực thuộc Tổng cục Công nghiệp thực phẩm, thành lập năm 1976 từ 3 nhà máy của chế độ cũ được tiếp quản sau ngày giải phóng. Tháng 11-2003, Vinamilk tiến hành cổ phần hóa và cổ phiếu được chính thức giao dịch trên sàn Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 19-1-2006.
Được đánh giá là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về sản xuất sữa và các sản phẩm từ sữa, chi phối đến 90% thị trường nội địa, còn lại là xuất khẩu, Vinamilk hiện chiếm khoảng 39% thị phần sữa toàn quốc, trong đó một số chủng loại sản phẩm chiếm thị phần từ 75-90%. Cổ phiếu Vinamilk luôn được các nhà đầu tư dài hạn ưa chuộng, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Điều này không có gì ngạc nhiên bởi ngoài mức tăng trưởng liên tục, ấn tượng qua nhiều năm, Vinamilk luôn giành được nhiều giải thưởng lớn và danh hiệu cao quý, xếp vào top 5 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, được Tạp chí Forbes bình chọn trong top 200 doanh nghiệp tốt nhất châu Á và dự kiến lọt vào top 50 công ty xuất sắc nhất châu Á trong năm 2013.
Đến nay, Vinamilk vẫn được xem như là DNNN mặc dù đã cổ phần hóa. Bởi trong cơ cấu vốn hoạt động hiện nay, Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang sở hữu số cổ phần lớn nhất 45%. Sức hấp dẫn của cổ phiếu Vinamilk đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài (lên đến 49% số cổ phần), đặc biệt là những nhà đầu tư chuyên nghiệp về lĩnh vực sữa và đồ uống (New Zealand, Singapore…) đã góp phần tạo thế và lực cho Vinamilk trong việc định hình chiến lược kinh doanh hiệu quả.
Tuy nhiên, đó mới là một phần lý do của sự phát triển bền vững. Văn hóa quản trị kinh doanh, cùng với những nhà quản trị tâm huyết, chuyên nghiệp, có bề dày kinh nghiệm truyền thống là nhân tố quyết định góp phần xây dựng nên thương hiệu Vinamilk ngày nay. Văn hóa quản trị của Vinamilk mang đậm màu sắc Việt Nam, vì một số nhân vật lãnh đạo chủ chốt và xuất sắc nhất, từ thuở ban đầu cho đến gây dựng nghiệp lớn ngày nay, đều xuất thân từ DNNN và là người Việt Nam. Tuy nhiên, yếu tố quyết định vẫn là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn hóa quản trị Việt Nam với chuẩn mực quản trị hiện đại theo thông lệ quốc tế. Nhiều năm trước đây, Vinamilk không hề bảo thủ mà đã mạnh dạn thuê công ty tư vấn nước ngoài để hoạch định và xây dựng chiến lược quản trị kinh doanh, quản trị rủi ro theo đúng chuẩn mực quốc tế. Bài học về quản trị doanh nghiệp và lựa chọn đúng nhà quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh, hội nhập có lẽ là bài học cốt lõi có giá trị nhất, đặc biệt là đối với DNNN nếu muốn hướng đến sự thành công bền vững.
Vinamilk chắc không phải là trường hợp cá biệt của nền kinh tế nước ta về sự thành công của một doanh nghiệp đi lên từ mô hình DNNN. Đây chính là gợi ý thực tiễn mang tính sống động cho những nhà hoạch định chính sách nếu muốn thoát ra khỏi “vũng lầy của tư duy” trong nỗ lực nhằm tìm tòi, định hình hướng đi cho khu vực kinh tế Nhà nước vốn dĩ đang đặt ra rất nhiều vấn đề cấp bách.
TÂM DÂN