Đó là số xe đạp bị lập biên bản xử phạt do vi phạm Luật Giao thông đường bộ trong năm 2012, theo báo cáo tổng kết của Ban An toàn giao thông (ATGT) thành phố.
Một số người đặt câu hỏi, sao mấy chiếc xe đạp “con con” mà cũng phạt?
Chưa nói đến việc xe đạp cũng là phương tiện, khi người điều khiển xe đạp để tham gia giao thông thì cũng phải chịu sự chế tài của luật, thì việc xử phạt xe đạp vi phạm cũng là một cách nhắc nhở trong việc thi hành pháp luật của người tham gia giao thông. Bởi, tham gia giao thông thì không nói đến phương tiện nhỏ hay lớn, thô sơ hay hiện đại… mà đó là yếu tố khi giao thông. Trong tâm lý khi tham gia giao thông, một số người khi sử dụng phương tiện thô sơ thường nghĩ rằng, lực lượng chức năng chỉ quan tâm mấy “xe lớn” chứ mình thì đâu có liên can gì. Thế là mặc nhiên vi phạm những lỗi cơ bản như: đi không đúng phần đường, làn đường, vượt đèn đỏ, đi trên vỉa hè… Khi bị xử phạt thì xin xỏ, vì vẫn nghĩ rằng “xe nhỏ” thì không phạm luật.
Mặc dù là con số rất nhỏ, chỉ chiếm 1/10.000 trong tổng số trên 111.000 lượt trường hợp bị lập biên bản xử phạt về giao thông trong năm 2012, trong đó có 68.080 mô-tô, 43.301 ô-tô… nhưng cũng cho thấy sự nhắc nhở cần thiết của lực lượng chức năng đối với những người đi xe đạp. Họ không chỉ là dân nghèo thành thị hay nông thôn, mà có cả học sinh, sinh viên - những người đủ ý thức về việc vi phạm của mình nhưng vẫn cố tình vi phạm, chỉ vì nghĩ rằng chẳng ai quan tâm xử lý những chiếc xe đạp!
Nói điều này để thấy rằng, vấn đề không dừng lại ở xe nhỏ, xe lớn, lỗi nhỏ, lỗi lớn… mà tất cả đều bình đẳng trước pháp luật. Tất cả đều là những phương tiện tham gia giao thông, không phân biệt lớn - nhỏ.
Trên thực tế, không chỉ ở lĩnh vực giao thông, mà nhiều người vẫn có thói quen nghĩ rằng, có vi phạm những lỗi nhỏ thì cũng chẳng dễ gì phát hiện; mà khi bị phát hiện cũng dễ được bỏ qua. Từ tâm lý đó, thói quen vi phạm pháp luật và những quy ước trong đời sống xã hội dần dần hình thành và phát triển đến lúc việc kiểm soát, xử lý vi phạm trở nên nhiều hơn và khó khăn hơn. Điều này khó được chấp nhận trong đời sống xã hội ngày càng văn minh, hiện đại và trong một chế độ xã hội lấy pháp quyền làm trọng.
Từ việc xử lý vi phạm 13 trường hợp người sử dụng phương tiện xe đạp khi tham gia giao thông, để thấy rằng, mọi người cần ý thức rõ ràng hơn trong chấp hành luật pháp và ứng xử trong xã hội lấy pháp luật làm nền tảng. Chính vì vậy, việc lấy ý kiến góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được triển khai rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, bên cạnh mục đích tập hợp trí tuệ, tâm huyết toàn dân…, còn là vấn đề nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân đối với thi hành Hiến pháp, pháp luật. Bởi, khi ngồi trong căn nhà do mồ hôi, công sức của chính mình đổ ra, dành tâm huyết của mình xây dựng nên… thì mỗi người sẽ thấy tôn trọng, quý mến, từ đó góp phần gìn giữ, vun đắp cho ngôi nhà đó mỗi ngày đẹp hơn, bền hơn, sạch hơn…
Khi mỗi người trong xã hội ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, thì chính họ sẽ được pháp luật bảo vệ một cách tốt nhất. Giống như sống trong ngôi nhà bền vững do chính mình góp sức xây dựng và giữ gìn!
ANH QUÂN